Bọ rầy thuộc loại cánh cứng ăn lá cây, xuất hiện nhiều ở vùng Bảy Núi trong vòng một tháng giao giữa hai mùa nắng mưa ở Nam bộ. Trước kia, loài vật này bị người dân tiêu diệt vì phá hoại mùa màng. Nhưng dần dần, bọ rầy lại được chế biến thành món ăn, rồi trở thành đặc sản ở đây. Cũng từ đó, săn và buôn bán bọ rầy phát triển mạnh vào đầu mùa mưa.
Anh Phạm Văn Sang, Cán bộ đoàn thị trấn Tịnh Biên dẫn chúng tôi đi một vòng chợ Tịnh Biên (thuộc huyện biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Ngoài những người phụ nữ bán dế, bò cạp, rắn... vốn là các đặc sản của vùng Bảy Núi, còn có khoảng 10 người bê những chiếc rổ nhỏ. Bên trong rổ đựng đầy bọ rầy - loại côn trùng màu đỏ thẫm, bò lúc nhúc. “Bọ rầy à đặc sản chỉ có ở Tịnh Biên thôi đấy. Ăn vào bảo đảm nghiện ngay” - anh Sang giới thiệu.
Anh Sang cho biết bọ rầy chỉ xuất hiện trong vòng một tháng đầu tiên của mùa mưa. Thời điểm này thường là tháng 4-5 âm lịch, tùy năm mưa sớm hay muộn, sau những ngày nắng cháy, đất đồng khô khát, nứt nẻ. Bọ rầy là "phiên bản" trưởng thành của đuông đất - loài sinh sôi nảy nở khi những trận mưa đầu tiên ngấm vào đất, cây cỏ bắt đầu vươn lên tìm nguồn sống.
Đuông đất sống trong lòng đất, nhưng mưa xuống là chui lên và được gọi là bọ rầy. Loài côn trùng này có hình dạng giống bọ hung, nhưng to cỡ ngón tay cái người lớn. Cánh, đầu và chân bọ rầy rất cứng nhưng thân lại mềm và tròn. Chúng có màu nâu, giống gián đất, nhưng thân ngắn hơn.
Bọ rầy sống chủ yếu trên cây xoài, mít, điều và ăn các loại lá cây này. Loài côn trùng này tập trung nhiều nhất ở các xã An Nông, An Phú, An Cư và thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên). Vì vậy, ở những nơi này, có hàng trăm người làm nghề bắt mỗi khi mưa xuống.
“Trước đây, người ta bắt bọ rầy chủ yếu vì chúng phá hoại cây cối. Còn nay, đây là nghề mang lại thu nhập đáng kể” - ông Nguyễn Văn Sắc, nông dân ở xã An Phú, có thâm niên bắt loài này cho biết. Cách bắt bọ rầy là nhặt phân bò, phân trâu khô đốt cho khói tỏa lên trời. Một lúc sau, bọ ngửi được mùi và cứ thế bay đến, vần vũ trong đám khói. Người dân sẽ cầm chổi đập rớt xuống đất, bắt bỏ vào giỏ.
Ban đêm, việc bắt sẽ đơn giản hơn. Người ta đặt những chiếc đèn măng - xông sáng dưới đất rồi leo lên các tán cây rung mạnh, chúng bay tứ tán nhưng sẽ tập trung lại ở chỗ có ánh sáng, chỉ việc bắt bỏ vào giỏ. “Một người mỗi đêm có thể bắt được khoảng 5 kg. Tính cả tháng có bọ rầy, nông dân tụi tui có một khoản thu nhập đáng kể mà công việc lại nhẹ nhàng” - ông Sắc nói. Ông Sắc cho biết thêm, nhu cầu ngày một lớn nên nhiều người ở quê ông đang tính đến việc xuất ngoại sang Campuchia để săn loại đặc sản này.
Nhóm bếp để chiêu đãi thực khách món đặc sản có một không hai ở miền Tây này, ông Sắc chia sẻ: “Bọ rầy chế biến đơn giản, không mất nhiều công mà vẫn tươi ngon”. Sau khi bắt về, bọ sẽ được rửa qua với nước, sau đó bỏ cánh, chân và ruột rồi đem chiên. Chừng mười phút, món đặc sản đã sẵn sàng, những chú bọ rầy tròn căng, vàng ươm được đặt nằm trên đĩa. Loài này có mùi thịt rất thơm, dai và bùi rất dễ ăn, khác xa với vẻ bề ngoài.
Bọ rầy được bán ở chợ Tịnh Biên với giá 500 đồng/con (50 con/kg) - tăng gấp đôi so với năm ngoái. Từ chợ này, nó được mang đi các nhà hàng khắp ĐBSCL để tiêu thụ với số lượng lớn.
Chị Ngô Thị Ánh Nguyệt, chuyên bán bọ rầy ở tại chợ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, cho hay, bán được nhiều vào lễ vía chùa Bà chúa sứ Núi Sam. Khách đông, giá cũng tăng nhưng người hỏi mua vẫn nườm nượp. Cứ đầu mùa mưa, 4 người trong gia đình chị Nguyệt cùng đi khắp rừng Bảy Núi săn bọ về bán. Thu nhập mỗi ngày thấp nhất là 500.000 đến 800.000 đồng, có ngày "trúng" lên đến hơn triệu đồng, chị Nguyệt tiết lộ.
Anh Chau Sol ở ấp 1, xã An Nông, Tịnh Biên cũng nói, nhờ nghề bắt bọ rầy mà nhiều nhà có thêm thu nhập. "Nhiều người đi săn bọ rầy gần cả tháng sẽ đủ tiền mua áo quần và tập sách cho con chuẩn bị cho năm học mới" - anh chia sẻ.