Tính đến gần cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ở mức 6,15% so với cuối năm ngoái. Trong đó, theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, như cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động tín dụng đen) ước đạt 2,12 triệu tỉ đồng với 14,17 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế và tăng 5% so với cuối năm 2019.
Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng đang đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, với dư nợ ước đến cuối tháng 8 đạt hơn 1,71 triệu tỉ đồng, tăng 2,37% so với cuối năm 2019.
Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu vốn của người dân để góp phần hạn chế tín dụng đen. Ảnh: NLĐ
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội liên quan đến tín dụng đen chiều 9-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết trong năm 2018-2019, Bộ Công an đã trấn áp rất mạnh tội phạm liên quan đến tín dụng đen và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cho đến nay, loại tội phạm này đã được kiềm chế, nhiều chỗ chúng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc cầm chừng. Tuy nhiên, tình hình tiềm ẩn nhất là cho vay qua mạng Internet và nhu cầu tín dụng đen còn nhiều nên tội phạm vẫn còn đất hoạt động.
Để hạn chế, ngăn chặn tín dụng đen thời gian tới, một trong những giải pháp được Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra là các ngân hàng cần đa dạng hóa hình thức cho vay tiêu dùng, siết chặt quản lý tín dụng, không để các đối tượng lợi dụng nguồn tiền từ ngân hàng đưa ra hoạt động tín dụng đen. Đặc biệt, cần xây dựng hành lang pháp lý để quản lý tín dụng cho vay qua Internet.
Ghi nhận tại nhiều ngân hàng thương mại, cho vay tiêu dùng được đẩy mạnh thời gian qua với những gói vay ưu đãi, đơn giản thủ tục để khách hàng dễ tiếp cận, hạn chế vay "nóng" bên ngoài, tìm tới tín dụng đen.
Như Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) dự định dành nguồn vốn tối thiểu 5.000 tỉ đồng cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình (như khám chữa bệnh, chi phí học tập mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình). Tuy nhiên, đến nay, doanh số giải ngân thực tế lên tới 19.000 tỉ đồng, gấp gần 4 lần quy mô dự kiến ban đầu với trên 400.000 khách hàng.
Agribank đang cung cấp gần 40 sản phẩm tín dụng, một số sản phẩm tín dụng tiêu biểu phục vụ nhu cầu vay vốn của bà con nông dân như: cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ đối với khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình nhằm hạn chế tín dụng đen.
Đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng cho hay đang triển khai nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng tín chấp với khách hàng cá nhân có thu nhập từ lương; vay tín chấp dành cho giáo viên để xây sửa nhà, mua sắm nội thất… Các sản phẩm cho vay với lãi suất ưu đãi, kỳ hạn vay linh hoạt và thời gian phê duyệt hồ sơ, giải ngân nhanh chóng giúp khách hàng dễ tiếp cận.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh ngành ngân hàng thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp nhằm gia tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân phục vụ sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh chính sách tín dụng chung đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các ngân hàng thương mại còn triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù phục vụ lĩnh vực nông nghiệp..