Câu chuyện kinh doanh bướm và côn trùng không còn đơn thuần là hái hoa bắt bướm.
Thật ra, thú sưu tập côn trùng không có gì mới. Và chuyện nuôi côn trùng xuất khẩu cũng không còn giới hạn cho mục đích nghiên cứu khoa học, mà đã được thương mại hóa bởi nhu cầu thị trường ngày càng cao. Vừa qua, một nhóm nhà đầu tư Nhật đã sang Việt Nam nhằm tìm hiểu về thủ tục đầu tư nhân giống và nuôi côn trùng thuần chủng để xuất khẩu. Họ chủ yếu tập trung vào những chủng côn trùng như bộ cánh đập (bướm), bộ cánh cứng (bọ xít, cánh cam) và bộ gọng vó (bọ ngựa). Thị trường xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này là Nhật, Hàn Quốc và châu Âu.
Trước khi người Nhật tìm đến, một dự án nuôi côn trùng xuất khẩu khác cũng đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng chấp thuận là dự án của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Kbil-Vina (100% vốn Hàn Quốc) nuôi côn trùng thuần chủng để xuất khẩu từ năm 2007. Dự án được triển khai trên diện tích 19 ha tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Lạc Dương (Lâm Đồng) với tổng số vốn đầu tư 1 triệu USD. Hiện nay, dự án sản xuất mỗi năm 300 kg trứng côn trùng và từ 4-5 tấn kén để xuất khẩu, doanh thu khoảng 600.000 - 700.000 USD/năm.
Với bề dày kinh nghiệm buôn bán loại hàng hóa đặc biệt này, chuyên gia côn trùng Yoshida Masato thuộc nhóm nhà đầu tư Nhật nêu trên cho biết, Việt Nam rất phù hợp để các loài côn trùng nhiệt đới phát triển. Theo ông, quy trình sản xuất kinh doanh mỗi loài côn trùng khác nhau và phụ thuộc vào chu kỳ sinh trưởng của chúng. Ví dụ, muốn nuôi bướm xuất khẩu thì khi sâu biến thành kén, Công ty phải lập tức đóng gói gửi đi nước ngoài để khi bướm cắn kén chui ra là vừa đến tay người mua.
Giá cả của loại sản phẩm này cũng không đồng nhất mà tùy thuộc vào màu sắc cũng như chủng loại. Những loài cao cấp như bướm vua, bướm nữ hoàng, bướm diều, bướm công, bướm nâu điểm bạc, bướm đốm, bướm cúc hay bướm hoa cam có giá bán lên đến vài chục ngàn USD/cặp. Đắt nhất là bướm lưỡng tính, một con mang 2 giới tính đực và cái. Theo ông Yoshida Masato, nếu không bán được bướm sống thì có thể xuất bướm khô, vốn là nguyên liệu mỹ nghệ được ưa chuộng cho tranh bướm hay bộ sưu tập bướm.
Ở Nhật, kinh doanh bọ cánh cứng là một thị trường cực kỳ hấp dẫn nhưng cũng có chu trình sản xuất khó hơn nhiều. “Bọ cánh cứng đẹp nhất là lúc trưởng thành và giai đoạn giao phối. Thức ăn của bọ trong giai đoạn này là rau câu, giúp chúng có màu sáng bóng. Để cung cấp ra thị trường, bọ cánh cứng được cho ngủ đông trong những chiếc hộp có lỗ thông hơi. Thời gian ngủ đông đủ cho một hành trình xuất khẩu tới tay người tiêu dùng”, chuyên gia người Nhật chia sẻ thêm.
Cũng theo ông, thị trường Nhật rất chuộng bọ cánh cứng nhiều sừng, càng nhiều sừng thì giá càng cao.
Rõ ràng, câu chuyện kinh doanh bướm và côn trùng không còn đơn thuần là hái hoa bắt bướm, mà đã trở thành cơ hội hái ra tiền thật sự.
Tại Việt Nam, đã có những điển hình kinh doanh sản phẩm này khá thành công và xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật... Cũng nhờ vậy mà các nhà đầu tư nước ngoài mới biết và tìm đến để đầu tư. Ví dụ như ông Nguyễn Trọng Thắng (Lâm Đồng) đã có trên 20 năm nuôi bướm xuất khẩu, hiện đang hoàn tất thủ tục đăng ký một số loài bướm thuần chủng để đưa vào thị trường Mỹ; hay bà Nguyễn Thị Bé (Bình Thuận) nuôi bướm để làm bướm khô, tranh bướm...
Bướm và côn trùng là loại sản phẩm không chỉ đặc biệt về chu trình sản xuất, chủng loại hàng hóa và thị hiếu tiêu dùng. Đây còn là sản phẩm được pháp luật bảo vệ. Việt Nam tham gia Công ước CITES từ năm 1994. Công ước này là Hiệp định liên chính phủ với mục tiêu kiểm soát hoạt động buôn bán qua biên giới các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trên toàn cầu bằng các quy định quốc tế. Mục đích là nhằm đảm bảo việc buôn bán không làm ảnh hưởng đến sự sinh tồn, phát triển bền vững của các loài hoang dã trong tự nhiên.
Do đó, kinh doanh và xuất khẩu côn trùng cũng phải có giấy phép chứng minh không ảnh hưởng đến quá phát triển của loài. Với những quy định này, sản xuất và xuất khẩu bướm trở thành một mô hình kinh doanh độc nhất hiện nay cả về cách thức lẫn thủ tục.