Đó là khuyến cáo của Ramit Sethi, tác giả cuốn sách "I Will Teach You To Be Rich" (Tôi sẽ dạy bạn trở nên giàu có) - cuốn sách tài chính ý nghĩa cho hàng triệu độc giả ở độ tuổi 20, 30 và 40. Ramit Sethi trở thành triệu phú từ khi còn trẻ nhờ vào trang web anh lập lúc đang là sinh viên Đại học Stanford năm 2004, cũng như các cuốn sách và các khóa học về tài chính cá nhân.
Dưới đây là bài viết của Ramit Sethi đăng trên CNBC, về những sai lầm người trẻ có thể mắc phải trong quá trình quản lý tài chính cá nhân:
1. Tập trung vào việc tạo thu nhập thụ động
Đối với nhiều người, thu nhập thụ động nghe như một giấc mơ. Họ ngưỡng mộ những người trong thời gian đi nghỉ ba tuần mà vẫn kiếm ra tiền, nhưng họ không nhận thấy con đường đã đi của người đó.
Theo Sethi, hầu hết mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi mới gia nhập lực lượng lao động, không cần tập trung vào thu nhập thụ động. Thay vào đó, nên nỗ lực nhiều hơn để cải thiện thu nhập chính của mình - bằng cách tập trung vào sự nghiệp, trau dồi kỹ năng làm việc, vượt xa đồng nghiệp.
Giải pháp: Làm tốt công việc hơn để có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu không được tăng lương, hãy tìm một công việc khác có lương cao hơn.
2. Chỉ cần cố gắng sẽ tiết kiệm được tiền
Chúng ta đều biết rằng cần tiết kiệm tiền, giống như cần tập thể dục nhiều hơn, ăn uống lành mạnh hơn... Tuy nhiên chỉ cố gắng hơn không giúp bạn thành công. Cố gắng tiết kiệm tiền bằng cách mua món đồ rẻ hơn, cắt giảm trà sữa là không đủ.
Thay vào đó, hãy xem tài chính của bạn và tự hỏi: Bạn đang cố gắng làm gì tốn rất nhiều công sức, nhưng kiếm được ít tiền? Những việc gì bạn làm không mang lại hiệu quả... Và sau đó chuyển đổi sang thứ có hiệu quả hơn.
3. Lập ngân sách theo dõi chi tiêu
Hầu hết chúng ta đều từng thử lập một ngân sách để cắt giảm chi phí. Nhiều người thất bại vì cuối cùng họ nhận ra rằng thực sự khó khăn để theo dõi từng xu bỏ ra, đồng thời ngân sách cũng không cũng cấp thông tin gì cho tương lai của bạn.
Thay vì giữ ngân sách, Sethit khuyên nên tạo "Kế hoạch chi tiêu có ý thức" - một chiến lược buộc người trẻ phải nhìn về tương lai đồng thời cho phép họ chi tiêu mạnh tay vào những thứ mình thích - miễn là cắt giảm chi phí không thương tiếc những điều họ không yêu thích.
Giải pháp: Tạo kế hoạch chi tiêu có ý thức bằng cách chia thu nhập thành bốn loại:
1. Chi phí cố định: Tiền thuê nhà, tiêu dùng hàng ngày, tiện ích, trả các khoản vay sinh viên, tiện ích... (50% đến 60% thu nhập).
2. Đầu tư dài hạn: quỹ hưu trí (10% thu nhập).
3. Mục tiêu tiết kiệm: Sẽ dành cho quà tặng ngày lễ, kỳ nghỉ, thanh toán tiền mua nhà (5% đến 10% thu nhập).
4. Chi tiêu "xa xỉ": Ăn uống, xem phim, mua sắm (20% đến 35% thu nhập).
Phân bổ tiền theo cách này, bạn có thể đảm bảo đủ tiền để trả hết mọi trách nhiệm trước tiên. Sau đó, khoản tiền nào còn lại có thể dành cho tiết kiệm và chi tiêu hàng ngày.
4. Bạn bè kiếm được ít tiền hơn tôi, nhưng họ vẫn đi nghỉ 4 lần/năm!
Điều đó có nghĩa là bạn bè của bạn hoặc có kỹ năng cao về chi tiêu có ý thức, hoặc hoàn toàn không biết cách quản lý tiền.
Thực tế, có bao giờ bạn mang bài ngữ pháp đến hỏi người bạn đã trượt 101 kỳ thi tiếng Anh không? Chắc là không. Vậy tại sao bạn lại nhìn vào những người bạn bình thường của mình - những người đưa ra quyết định tiền bạc bình thường và kết thúc với kết quả bình thường (đôi khi thiếu tiền) - làm hình mẫu?
Giải pháp: Tập trung vào khát vọng tài chính của bạn và cố gắng giống như những người đưa ra quyết định tiền bạc có ý thức. Đừng theo gương của những người thể hiện bản thân bằng cách chi tiêu nhiều hơn số tiền họ có.
5. Tôi đang bắt đầu đầu tư (nhưng mãi chưa đầu tư)
Nhiều người trẻ không đầu tư vào cổ phiếu vì cho rằng mình không kiếm đủ tiền hay không đủ chuyên môn để làm. Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, chỉ có 37% thanh niên Mỹ từ 35 tuổi trở xuống cho biết họ sở hữu cổ phiếu từ năm 2017 đến 2018, so với 61% người trên 35 tuổi sở hữu cổ phiếu.
Mở một tài khoản đầu tư cho phép bạn truy cập vào phương tiện kiếm tiền lớn nhất trong lịch sử thế giới - và bạn không cần phải giàu có để làm điều đó. Bạn có thể thiết lập chuyển khoản tự động hàng tháng để không phải lo đóng mức tối thiểu ban đầu.
Giải pháp: Bất kỳ chủ đề mới nào (dù đầu tư hay tập luyện, ăn kiêng hay nuôi dạy con) cũng khó khăn. Cách tốt nhất để giải quyết là chọn một nguồn thông tin để học hỏi và sau đó bắt đầu hành động.
6. Quan niệm "Muốn giàu là xấu"
Có nhiều tiền cho phép bạn có nhiều lựa chọn trong cuộc sống hơn. Ở đây, làm giàu không chỉ là về tiền bạc, đó còn là cuộc sống giàu có.
Và sống một cuộc sống giàu có có nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Với một số người, đó có nghĩa là có quyền tự do tài chính để chi tiêu xa hoa; có tiền thuê người dọn dẹp nhà cửa mỗi tuần. Đối với Sethi, một phần của cuộc sống giàu có nghĩa là khả năng nghỉ việc trong sáu tháng để đi hưởng tuần trăng mật.
Giải pháp: Hãy suy nghĩ về việc sống một cuộc sống sung túc có ý nghĩa gì với bạn và hãy để điều đó thúc đẩy bạn hành động để tăng tiền của mình.