Tiểu Lan bước vào kỳ nghỉ thai sản từ tháng 9 năm ngoái. Mặc dù thu nhập bị giảm đi đáng kể nhưng vì tiền lương của chồng không tồi, sinh hoạt gia đình cô không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Mãi cho đến đầu năm nay, cha của Tiểu Lan đột nhiên ngã bệnh, cần được phẫu thuật gấp và điều trị bằng nhiều loại thuốc nhập khẩu đắt đỏ trong thời gian dài. Bấy giờ, cô mới cảm thấy nghẹt thở khi phải đối mặt với áp lực kinh tế rất lớn. Cô cố gắng cắt giảm hết những khoản chi tiêu cá nhân không cần thiết, các khoản ăn uống xã giao bên ngoài cũng hạn chế tối đa, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.
Sau đó, công việc của chồng cô xuất hiện vấn đề, thu nhập suy giảm nghiêm trọng. Trong khi chi phí chữa bệnh cho cha và tiêu dùng hàng ngày cho gia đình vẫn còn đó, khoản nào cũng không hề nhỏ, Tiểu Lan nhiều lần bất lực, chỉ có thể than vãn, kể khổ với bạn bè.
Mà bạn bè xung quanh thì ai cũng như ai, dù điều kiện tốt hay xấu thì cũng có hàng trăm nỗi lo của riêng mình mỗi ngày. Kẻ thì lo sự nghiệp, người thì lo gia đình, rồi sức khỏe, rồi tương lai… Đây có lẽ chính là sự bất lực của người trưởng thành.
Có người từng nói: 90% lo lắng trên trên giới đều có 1 tên gọi khác, đó chính là Nghèo.
Tại đại đa số thời điểm, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng tiền tài vật chất có thể đem lại cảm giác an toàn, giúp chúng ta tồn tại một cách thoải mái hơn mà không phải sống trong bàng hoàng bất lực cả đời.
Chính vì thế, muốn thay đổi cuộc đời, hãy bắt đầu thay đổi từ tư duy bên trong. Kỳ thực, nếu có thể quan sát nghiêm túc, chúng ta sẽ phát hiện ra, khoảng cách giữa thành công và thất bại thật ra không quá xa vời. So với những người thành công, thứ chúng ta đang thiếu nhất chính là phương thức tư duy.
Biết cách nắm bắt đúng đắn, những kiểu tư duy kinh tế sau đây sẽ giúp bạn khắc phục những gánh nặng tài chính của mình.
1. Lãi gộp
Có một câu chuyện xưa kể rằng: Tại Ấn Độ cổ xưa, có một vị Tể tướng đã tạo ra Cờ vua. Quốc vương Ấn Độ rất vui mừng, đòi thưởng lớn cho người nọ bèn gọi y tới và hỏi xem mong muốn của y là gì.
Vị Tể tướng trả lời: “Quốc vương, thần không dám đòi hỏi nhiều, chỉ mong Ngài ban thưởng một ít lúa mạch theo đúng quy luật bàn cờ vua này mà thôi. Ô đầu tiên là 1 hạt, ô thứ 2 là 2 hạt, ô thứ 3 là 4 hạt, mỗi ô đằng sau lại gấp đôi thêm một lần, cứ như vậy đến hết 64 ô bàn cờ mà thôi.”
Quốc vương cảm thấy yêu cầu này quá đơn giản, liền mệnh lệnh cho kẻ hầu lập tức chuẩn bị. Nhưng đợi đến khi bắt đầu thực hiện, người ta mới phát hiện đây là việc khó khăn đến mức nào.
Ở ô thứ 31, số lúa mạch đã tăng lên 1.073.741.824.
Ở ô thứ 40, số lúa mạch đã là 549.755.813.888.
Và những con số sau đó thì lại càng khủng khiếp hơn. Có lẽ gom cả kho lương của hoàng cung lúc bấy giờ cũng không đủ để thỏa mãn yêu cầu tưởng chừng “đơn giản” của vị Tể tướng.
Đây chính là sức mạnh của lãi gộp, nghĩa là, sau mỗi kỳ lãi, lấy cả tiền lãi cộng vào vốn gốc để tiếp tục tính lãi sẽ tạo ra mức độ tăng trưởng phi tuyến tính, đạt tới con số khổng lồ.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể sử dụng quy luật lãi gộp để gia tăng giá trị cho tài nguyên của mình. Cho dù khoản vốn ban đầu chỉ là một con số không nhiều, trải qua một thời gian dài kiên trì, với cách tính toán hợp lý, bạn vẫn có thể thu hoạch một khoản lợi nhuận rất lớn.
2. Quy luật 9:1
Khi được hỏi về bí quyết làm giàu, một người đàn ông giàu có đã hỏi ngược lại mọi người: “Nếu các bạn có một cái giỏ, mỗi sáng bỏ 10 quả trứng vào giỏ, và ăn hết 9 quả trong ngày hôm đó, sau 10 ngày chuyện gì sẽ xảy ra?"
Những người xung quanh trả lời: "Đương nhiên là chiếc giỏ sẽ đầy rồi.”
Người đàn ông nọ mỉm cười: "Nguyên tắc làm giàu cũng tương tự như vậy thôi. Nếu bỏ 10 đồng xu vào ví thì sau đó bạn chỉ có thể sử dụng tối đa 9 đồng mà thôi."
Quy tắc 9:1 cho chúng ta biết rằng chi tiêu tối đa không quá 90% thu nhập và tiết kiệm không được ít hơn 10% thu nhập.
Để đạt được tự do tài chính, chúng ta phải học cách tiết kiệm bắt đầu từ những cái nhỏ nhất, cho dù chỉ là 1 đồng. Thông qua quá trình tích lũy, khoản vốn để áp dụng phương pháp lãi gộp bằng cách đầu tư thông minh mới giúp “tiền đẻ ra tiền”.
Tất nhiên, 9:1 ở đây không phải con số cố định. Tùy vào điều kiện cụ thể, mọi người có thể điều chỉnh linh hoạt cho thích hợp.
3. Tư duy đầu tư
Căn hộ nhà anh Trương có một chiếc điều hòa nhiệt độ nhưng hầu như chẳng mấy khi sử dụng. Mùa đông ở miền Bắc rất lạnh nhưng anh cũng chỉ yêu cầu người thân mặc nhiều đồ hơn chứ nhất quyết không chịu bật điều hòa. Họ cứ luôn gồng mình chịu đựng, đến cuối cùng lại thành ra đổ bệnh cả nhà.
Một chiếc điều hòa có giá từ 7-20 triệu đồng. Dựa theo cách “tiết kiệm” này, đợi đến khi máy hỏng, có lẽ tổng số tiền điện mà gia đình anh Trương sử dụng còn thấp hơn chi phí để mua một chiếc điều hòa mới.
Họ tưởng rằng tiết kiệm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.
Tư duy đầu tư cũng vậy. Bản chất của đầu tư là quá trình tận dụng năng lực quản lý và giá trị của các nguồn lực hiện có để làm gia tăng giá trị tài sản cuối cùng.
Nghèo nàn về tiền bạc không phải vấn đề quá khủng khiếp. Mà điều đáng sợ nhất là nghèo nàn trong tư duy đầu tư. Ví dụ như, khi mua một mặt hàng, chúng ta phải tìm cách phát huy được toàn bộ giá trị của mặt hàng đó mới gọi là đầu tư thông minh.
Điều hòa không khí giúp người ta không còn chịu ảnh hưởng từ thời tiết tiêu cực, mang lại điều kiện làm việc tốt hơn, từ đó đồng thời cải thiện năng suất lao động và hiệu quả công việc, tạo ra những giá trị (lợi nhuận) cao hơn gấp bội so với hóa đơn tiền điện (chi phí) phải bỏ ra.
Chỉ có những kẻ nghèo nàn tư duy mới lẫn lộn đầu đuôi, không phân biệt được yếu tố nào mới có tầm quan trọng thực sự.