Bạn là tân cử nhân tốt nghiệp từ các trường ĐH, CĐ có tiếng nhưng đang rối bời vì nhà tuyển dụng (NTD) nào cũng đưa ra yêu cầu “ít nhất 1 năm kinh nghiệm” trong khi bạn chỉ có 2 tháng thực tập? Dù chưa có kinh nghiệm chuyên môn nhưng không có nghĩa là bạn không thể ứng tuyển vào những vị trí đòi hỏi kinh nghiệm. Còn rất nhiều yếu tố giúp bạn vượt qua ngưỡng 1 năm kinh nghiệm để chinh phục NTD.
Đừng bỏ qua kinh nghiệm tập sự
Đối với ứng viên đã đi làm nhiều năm thì mục “Kinh nghiệm làm việc” trong hồ sơ tìm việc là mảnh đất phì nhiêu nhất để họ khẳng định năng lực trước NTD. Bạn cũng không ngoại lệ, dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng bạn cũng cần thu hút NTD bằng những gì mình có ngoài tấm bằng cử nhân.
Nếu để ý, bạn có thể thấy rằng tất cả các công việc bán thời gian, thực tập… đều giúp chúng ta rèn luyện rất nhiều kỹ năng trong cuộc sống và công việc sau này. Những công việc như phục vụ, gia sư, tiếp thị, phát quà khuyến mãi… giúp bạn rèn luyện khả năng giao tiếp, lắng nghe; thể hiện sự siêng năng, cần cù, chịu khó. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Viện trưởng Viện Quản trị tri thức KMI, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Greystone Data Systems Inc - chia sẻ: “Thậm chí, những bạn có công việc rất oách là “con chủ tiệm tạp hóa” cũng không nên bỏ qua. Bạn biết không, một cửa hàng tạp hóa có đến vài trăm mặt hàng, việc bạn có thể nhớ hết giá tất cả sản phẩm hoặc vị trí của chúng khi khách hàng hỏi đến đó cũng là một kỹ năng đáng lưu ý đối với một số công việc”.
Ngoài ra, những bạn từng tham gia công tác Đoàn, hội hay những hoạt động phong trào, tình nguyện cũng đừng bỏ qua chi tiết này trước các NTD. Bởi thông qua các hoạt động tình nguyện, sinh viên thường học được nhiều kỹ năng, nhất là khả năng quản lý, sắp xếp công việc, làm việc nhóm, hòa nhập môi trường nhanh… và đây cũng là yếu tố để các NTD tìm kiếm ở một ứng viên tiềm năng.
Khi phỏng vấn, ứng viên nên nói rõ kinh nghiệm trong quá trình thực tập hay làm thêm sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá cao tay nghề của mình
Chủ động tích lũy kinh nghiệm
Hiện tại, hầu hết các trường đều tạo cơ hội cho sinh viên có cơ hội va chạm với thực tế công việc nhưng thời gian không nhiều, thường từ 2-6 tháng. Do đó, việc sinh viên chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội tích lũy cho mình là điều vô cùng cần thiết.
Nếu thời gian học ở trường dày đặc, bạn vẫn có thể tìm xung quanh trường những công ty, đơn vị, cơ sở hoạt động đúng chuyên ngành học. Hãy trình bày nguyện vọng của bạn cùng người quản lý ở đây. Nếu bạn đủ mạnh dạn bước qua cánh cửa để gặp người quản lý thì bạn đã là một nhân tố khác biệt so với biết bao sinh viên đứng nhìn từ đằng xa. Hãy tự tin! Có thể đây sẽ là công việc hoàn toàn không nhận được đồng lương nào nhưng chắc chắn bạn sẽ có những trải nghiệm thực tế thú vị và học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Cũng có thể, theo thời gian, với sự thể hiện tốt, biết đâu bạn sẽ vừa học vừa làm và được hưởng lương? Và quan trọng hơn: Với bề dày kinh nghiệm tiếp cận công việc đúng chuyên ngành, bạn sẽ là người đứng đầu trong danh sách phỏng vấn của NTD so với các bạn cùng trang lứa.
Theo bà Lê Thị Ngọc Phượng, Trưởng Phòng Nhân sự Nhà máy Nestle Bình An (Đồng Nai): “Thật ra, việc áp dụng kiến thức chuyên môn để giúp đỡ bạn bè, người thân cũng là nơi để bạn học hỏi kinh nghiệm. Ví dụ phụ quản lý shop quần áo vào buổi tối (ngành quản trị kinh doanh), phiên dịch giúp người nhà khi gặp khách hàng (ngữ văn Anh, tiếng Anh thương mại) hay sửa tivi giúp hàng xóm (điện - điện tử)… đó cũng là kinh nghiệm. Các bạn cũng đừng bỏ sót đứa con tinh thần của mình đó là “đề tài khóa luận tốt nghiệp” vì đây là một sản phẩm đáng giá để khẳng định khả năng chuyên môn của bạn”.
Đừng ngại những việc nhỏ nhất Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH II-VI Việt Nam, cho biết: “Tốt nghiệp cử nhân ngành điện - điện tử nhưng công việc đầu tiên của tôi khi được tuyển vào công ty là đi thay chuột, thay bóng đèn, thay tăng-phô và bơm mỡ bạc đạn. Do đó các bạn cứ an tâm, chưa có kinh nghiệm, doanh nghiệp sẽ đào tạo bạn, vấn đề là bạn thể hiện cho doanh nghiệp thấy được những gì mà bạn có”. |
Bài và ảnh: Đoan Thùy