Tuy nhiên, đối với các entrepreneur, thì việc “chơi chắc ăn”, tránh mạo hiểm có thể cướp đi các cơ hội thành công của họ. Lần gần đây nhất bạn bước ra khỏi chiếc kén an toàn và chấp nhận một thách thức mới là khi nào?
Ảnh minh họa
Tiến sĩ Elizabeth Lombardo, nhà trị liệu và tác giả của cuốn “Better Than Perfect” (Tạm dịch: Trên cả sự hoàn hảo), đã nói rằng, những người thường xuyên tìm kiếm những trải nghiệm mới có xu hướng sáng tạo hơn và có khả năng phục hồi về tinh thần tốt hơn so với những người hay bị mắc kẹt trong các thói quen hàng ngày.
"Việc phá vỡ các khuôn mẫu của riêng bạn chỉ có thể làm cho bạn mạnh mẽ và tự tin hơn, từ đó bạn sẽ vươn tới các nấc thang cao hơn trong sự nghiệp cũng như cuộc sống cá nhân”, cô nói.
Cô cũng cho biết thêm rằng, sự đổi mới sẽ xuất hiện khi chúng ta bước ra khỏi các ngưỡng an toàn của bản thân. Nếu như chỉ quanh quẩn quanh những hoạt động thường nhật, sự sáng tạo của bạn rất có nguy cơ sẽ bị giảm sút. "Để trở nên sáng tạo hơn, bạn phải thử những điều mới mẻ, nhìn sự vật sự việc dưới góc nhìn khác, sắp xếp tất cả lại với nhau theo một cách mới”.
Tuy nhiên, chính sự sợ hãi đã ngăn cản hầu hết chúng ta bước ra khỏi ngưỡng an toàn của bản thân. "Chúng ta đều mang trong mình một nỗi sợ hãi to lớn rằng mình sẽ thất bại," Lombardo nói. Khi mới vận dụng bất kỳ kỹ năng nào, ai cũng sẽ có cảm giác tần ngần, luống cuống và hơi căng thẳng, tuy nhiên, khi bạn càng thực hành nhiều thì sẽ càng cảm thấy thoải mái. Theo Lombardo thì trở nên thoải mái với những thứ không thoải mái chính là chìa khóa để vượt qua nỗi sợ hãi này.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra cho bạn các cách để bước ra khỏi ngưỡng an toàn của bản thân:
Tạo thói quen
Để có thể cảm thấy thoải mái khi làm những việc không thoải mái, thì bạn cần phải thường xuyên bước ra khỏi chiếc kén an toàn. "Bạn càng cảm thấy thoải mái khi thử những điều mới mẻ, thì bạn sẽ càng không ngại ngần điều đó nữa và càng sẵn sáng chấp nhận với những thách thức mới," Lombardo nói.
Bắt dầu từ những điều nhỏ nhặt
Bạn không cần thiết phải từ bỏ toàn bộ các thói quen thường ngày của mình để bước ra khỏi ngưỡng an toàn của bản thân. Hãy thử thực hiện từng bước nhỏ trước, chẳng hạn như thử đi đến chỗ làm bằng con đường khác hay thậm chí là chuyển bàn làm việc của mình sang một vị trí khác. Điều này có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái với những sự khó chịu khi mà bạn đang thử làm điều gì đó mới mẻ.
Tái hiện lại nỗi sợ hãi
Để vượt qua nỗi sợ hãi khi thử làm điều gì mới, Lombardo khuyên chúng ta nên mường tượng lại những nỗi sợ đó, nhưng hãy biến chúng thành cảm giác phấn khích hay cảm giác khi nhìn thấy một cơ hội mới. Khi nhìn sự việc theo cách tích cực này, thì bạn sẽ sớm chấp nhận cái cảm giác bồn chồn lo lắng đó chứ không còn trốn tránh nó nữa.
Tìm kiếm thách thức
"Làm điều gì đó mang tính thách thức có thể đem tới cho bạn một cái nhìn hoàn toàn khác và giúp bạn dễ tiếp nhận sự thay đổi hơn" - Lombardo nói. Khi bạn thử một thứ gì đó có tính thách thức, bạn được trải nghiệm cái cảm giác endorphin trong cơ thể tăng lên đột ngột và cảm thấy như được nạp thêm năng lượng.
Đặt câu hỏi tại sao
Tự đưa ra câu trả lời tại sao bạn phải thoát ra khỏi ngưỡng an toàn có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi khi thực hiện điều đó. Lombardo gợi ý rằng bạn nên việc viết ra những lợi ích của hành động này, chẳng hạn như "xây dựng lòng can đảm" hoặc "để trở nên sáng tạo hơn." Nhìn vào các lý do “tại sao” khi bạn bắt đầu cảm thấy stress có thể làm giảm mức độ căng thẳng của bạn, từ đó, bạn sẽ dễ dàng thực hiện nhiệm vụ hơn.
Theo Saga