Có lẽ, chính vì điều này, bạn sẽ không còn được công nhận và khen thưởng cho những nỗ lực của mình như xưa.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thảo luận về các chiến lược để giúp những công việc tuyệt vời mà bạn làm được mọi người chú ý đến. Điều này sẽ tạo ra cho bạn động lực để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình.
Tại sao phải cố gắng để mọi người chú ý?
Bạn có thể là người làm việc chăm chỉ nhất trong một tổ chức, và là người mà ai cũng muốn kết nạp vào đội của mình - nhưng nếu không được ai biết đến, thì tất cả các dự án mới, trọng trách lớn hơn, hay các giải thưởng, và việc thăng chức sẽ chẳng bao giờ đến tay bạn.
Đó chính là lý do tại sao bạn cần phải chứng minh sự tồn tại của mình tại nơi công sở.
Hãy cùng xem một số chiến lược mà bạn có thể sử dụng để không còn "vô hình" tại nơi làm việc.
Phát triển các kỹ năng chuyên môn
Bạn cho rằng mình là một người biết nhiều thứ, ở nhiều cương vị khác nhau, hay là một chuyên gia chỉ nắm chuyên môn về 1 - 2 lĩnh vực cụ thể nào đó?
Các doanh nghiệp mới thành lập thường thuê những người biết nhiều bởi vì họ có thể thực hiện được nhiều vai trò khác nhau. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp này phát triển, họ chuyển sang thuê các chuyên gia để tập trung vào các lĩnh vực chủ chốt. Điều này có thể khiến cho những người biết nhiều làm việc chăm chỉ cảm thấy mình bị đẩy sang một bên và bị tước đoạt quyền lợi trong doanh nghiệp.
Nếu bạn là một người biết nhiều, hãy cân nhắc các loại kỹ năng mà tổ chức của bạn cần và cố gắng bồi đăp các kỹ năng đó để trở thành một chuyên gia. Bạn càng có nhiều kiến thức và càng thành thạo về một lĩnh vực cụ thể, thì càng có nhiều khả năng tạo được được chú ý cho công việc mình làm.
Hãy nhớ rằng các tổ chức, doanh nghiệp cũng có xu hướng tìm kiếm những người sở hữu các "kỹ năng mềm" tuyệt vời – đó là những kỹ năng không liên quan đến nghiệp vụ như tư duy sáng tạo, trí tuệ cảm xúc, giải quyết xung đột, kỹ năng giao tiếp, khả năng điều chỉnh linh hoạt, và khả năng đào tạo. Chúng thường cũng quan trọng tương đương với các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
Nếu bạn đang suy nghĩ về việc trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, đừng quên cân nhắc tới những kỹ năng mềm quan trọng này. Việc giúp sếp bạn giải quyết một cuộc xung đột lớn trong nhóm cũng sẽ giúp bạn nhận được sự chú ý nhiều tương đương với khi bạn trình lên sếp một bài thuyết trình xuất sắc hay một báo cáo doanh số tuyệt vời vậy.
Xây dựng một mạng lưới quan hệ
Làm thế nào có thể xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ có thể giúp bạn nhận được sự chú ý trước của những người quan trọng trong công ty?
Về cơ bản, nếu bạn giúp đỡ ai đó khi họ cần, thì họ cũng sẽ giúp lại bạn.
Và nếu bạn dành thời gian để xây dựng và bồi đắp các mối quan hệ với những người xung quanh mình, bạn sẽ xây dựng một mạng lưới các "đồng minh" - những người có thể giúp bạn được giao các dự án thú vị, quan trọng, hoặc đặc biệt hấp dẫn, chứ không phải ai khác. Họ cũng có thể giới thiệu bạn đến các phòng ban khác - điều này có thể mở ra những cơ hội mà nếu không nhờ họ thì sẽ chẳng bao giờ đến tay bạn.
Xây dựng một mạng lưới các “đồng minh” trong bộ phận của mình, với các bộ phận khác, và với đội ngũ điều hành hoặc hội đồng quản trị. Hãy cố gắng để được phân vào các nhóm mà có thể được tiếp xúc với nhiều người. Điều này có thể giúp bạn tạo dựng danh tiếng, và các mối quan hệ quan trọng.
Ngoài ra, hãy networking cả ngoài giờ làm việc. Giao thiệp xã hội với các đồng nghiệp sau giờ làm việc thường làm cho mọi người cảm thấy thoải mái và cởi mở hơn để kết bạn.
Theo dõi thành quả của bạn mình
Khi đang chăm chỉ làm việc, bạn rất dễ quên đi tất cả những thứ mình làm được trong vòng 6 đến 12 tháng vừa qua. Điều này sẽ không có ích khi đánh giá kết quả công việc của bạn.
Hãy theo dõi tất cả các thành quả mà bạn đạt được trong tổ chức. Nếu khách hàng hay đồng nghiệp khen ngợi bạn, hãy viết lại những lời đó. Nếu có ai đó gửi email khen bạn, hãy in nó ra. Nếu bạn đã vượt quá mục tiêu bán hàng quý trước, hãy lấy các giấy tờ xác thực điều đó.
Lưu giữ tất cả những lời khen ngợi và thành tựu tuyệt vời này trong một tập tin, và hãy đem theo tập tin này vào ngày đánh giá kết quả làm việc của bạn. Đây chính là bằng chứng xác thực nhất để chứng minh cho sếp thấy bạn đang làm tốt công việc của mình đến mức nào. Và thật khó để sếp bạn nói không khi bạn yêu cầu tăng lương hay thăng chức.
Bước ra khỏi bóng tối
Đôi khi, dù vô tình hay cố ý, sếp và các đồng nghiệp của bạn có thể trình bày ý tưởng của bạn như thể là họ nghĩ ra vậy. Tuy nhiên, nếu muốn được chú ý tới, bạn phải biết đứng lên và nhận ý tưởng đó về mình.
Nếu điều này xảy ra với bạn, đầu tiên, hãy kiểm tra xem nó có xảy ra với ai khác hay không. Thông thường thì một người đồng nghiệp hay một vị sếp sếp sẽ "vay mượn" ý tưởng của một vài người, chứ không chỉ có một. Một cách để phát hiện ra điều này đơn giản là bằng việc quan sát ngôn ngữ cơ thể của những người xung quanh người này.
Nếu đồng nghiệp hoặc sếp của bạn chỉ giành công trạng của một mình bạn, thì hãy chứng minh bằng tài liệu mỗi khi điều đó xảy ra. Hãy đánh dấu "watermark" lên các phần công việc của bạn bất cứ khi nào có thể, nếu việc này là khả thi (đây là một tính năng trong một số gói phần mềm xử lý văn bản). Nếu trong cuộc họp mà người đó tuyên bố ý tưởng của bạn như thể là họ nghĩ ra, hãy sửa lại sai sót này một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết.
Nhận nhiều hơn trách nhiệm
Bạn cũng có thể được sếp và những người quản lý khác chú ý tới bằng cách đồng ý nhận nhiều trách nhiệm hơn bất cứ khi nào có thể.
Điều này không có nghĩa rằng bạn nên làm việc quá sức! Tuy nhiên, nếu bạn nhìn thấy một dự án hoặc vai trò mới có thể sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng của mình, hãy tận dụng nó. Hãy làm điều này, đặc biệt nếu đó là một dự án/vai trò mà tất cả mọi người trong tổ chức đều biết đến, hoặc có tác động đáng kể đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Điều này đặc biệt quan trọng cùng với sự đổi mới và cải tiến quy trình. Việc xây dựng hình tượng là một người có tư duy đổi mới hay một người có suy nghĩ sáng tạo có thể sẽ rất có giá trị. Nếu bạn tin rằng bạn có khả năng đổi mới và tư duy ra các ý tưởng tốt, hãy cố gắng để được giao cho các dự án mà những kỹ năng này được coi trọng.
Mẹo: Trong khi bạn đang làm những điều trên, hãy chắc chắn rằng bạn vẫn tiếp tục thực hiện tốt phần công việc cốt lõi của mình. Nếu không thể làm được, bạn cũng sẽ được chú ý - nhưng không phải nhờ những lý do tốt đẹp gì cả!
Thêm một số mẹo để gây chú ý
Dưới đây là một vài ý tưởng nữa giúp bạn nhận được sự chú ý của những người làm việc cùng:
Hãy chắc chắn rằng mọi người cảm nhận được sự tồn tại của bạn - Hãy dành vài phút mỗi ngày để chào hỏi và nói chuyện phiếm với đồng nghiệp. Chỉ cần bạn mỉm cười với người khác thì họ cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Ngoài ra, thi thoảng hãy cố gắng nói chuyện trực tiếp với các đồng nghiệp, thay vì gửi email hoặc nhắn tin.
Khen ngợi người khác - Nếu bạn có một đồng nghiệp cũng làm việc chăm chỉ như bạn, thì hãy khen ngợi người đó trước mặt sếp. Hãy nói thật cụ thể, và chân thành về những gì người đó đang làm.
Luôn cập nhật thông tin về ngành mà bạn làm việc – Hãy đọc các bản tin ngành hoặc các tài liệu khác có liên quan để giữ cho bạn luôn theo kịp xu hướng và công nghệ. Bạn không bao giờ biết được khi nào thì các thông tin này sẽ có giá trị cả.
Tìm một người cố vấn - Cố vấn có thể đưa ra lời khuyên có giá trị và đào tạo nghiệp vụ cho bạn. Bởi cố vấn của bạn cũng đã từng trải qua những trường hợp tương tự như bạn bây giờ, nên đây chính là cơ hội mà bạn phải nắm lấy. Họ có thể giúp bạn định hướng xử lý các tình huống này một cách chính xác.
Hãy tham gia vào các sự kiện từ thiện của tổ chức– Việc tình nguyện tham gia các hoạt động này – chẳng hạn như chạy đua hay huấn luyện một nhóm trẻ em - có thể giúp bạn xây dựng mạng lưới các mối quan hệ trong tổ chức.
Các điểm chính
Mọi người thường có thể không chú ý tới những nỗ lực của bạn, thậm chí ngay cả khi bạn luôn làm việc chăm chỉ. Nếu điều này xảy ra với bạn, hãy làm gì đó để được người khác chú ý tới và tồn tại trong suy nghĩ của họ, nhờ đó bạn có thể tiếp tục theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp của mình.
Hãy trở thành một chuyên gia trong các lĩnh vực quan trọng đối với công ty của bạn. Hãy xây dựng một mạng lưới các “đồng minh”, mạng lưới mối quan hệ trong và ngoài công việc, theo dõi thành quả bạn đạt được, và đảm nhận thêm trách nhiệm bất cứ khi nào có thể.
Theo Saga