Theo báo cáo, hiện nay cả nước có 64 trung tâm DVVL thực hiện các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, đào tạo nghề và làm nhiệm vụ về hoạt động sự nghiệp bảo hiểm thất nghiệp. Tính từ năm 2006 đến nay, các trung tâm DVVL đã tư vấn và giới thiệu việc làm cho hơn 8 triệu lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động và hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trực tiếp hoặc thông qua các website. Ngoài ra, 44 sàn giao dịch việc làm tại các trung tâm DVVL đã tổ chức được hơn 2.000 phiên giao dịch tại trụ sở trung tâm và các điểm giao dịch vệ tinh.
Trong giai đoạn tới, để phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, Việt Nam cần xây dựng quy hoạch hệ thống trung tâm DVVL nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm của nhà nước; khuyến khích tổ chức các hội chợ việc làm; phát triển các tổ chức dịch vụ tư vấn, sàn giao dịch, giới thiệu việc làm đi đôi với tăng cường quản lý của nhà nước; ngăn chặn các hành vi lừa đảo và các hiện tượng tiêu cực khác.
Trao đổi với các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng nhấn mạnh để hệ thống trung tâm hoạt động thực sự hiệu quả cần kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ được cả người lao động và những người thất nghiệp có thể rút ngắn thời gian tìm việc, thực hiện tốt công tác tư vấn cho doanh nghiệp và chia sẻ trong hệ thống lao động để điều tiết tình hình lao động trong nước. Đồng thời, xây dựng quy hoạch cần bảo đảm đầy đủ nhưng phải tránh chồng chéo gây lãng phí.
Người lao động tham gia ngày hội việc làm tại TP HCM
Tin-ảnh: N.Nguyên