Những bức ảnh chụp Sài Gòn từ trên cao đã và đang được cư dân mạng quan tâm bởi sự đầu tư về công sức cũng như kỹ thuật của người thực hiện. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, đằng sau những tác phẩm đẹp mắt ấy, người chụp phải đối mặt với khó khăn và mối nguy hiểm như thế nào.
Đinh Phúc - chàng trai trẻ sở hữu hàng trăm bức ảnh chụp Sài Gòn từ trên cao
Những bức ảnh chụp Sài Gòn từ trên cao của Phúc
Thích khám phá, mê mạo hiểm
Kaganagi (tên thật Đinh Phúc, sinh năm 1993) là gương mặt không còn xa lạ với giới mê ảnh tại Sài Gòn. Chàng trai này sở hữu khoảng 400 bức ảnh chụp thành phố hoa lệ từ trên cao. Những bức ảnh được chia sẻ trên instagram và nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ bạn bè trong và ngoài nước.
Năm 2014, Phúc bắt đầu tìm hiểu về nhiếp ảnh. Những bức ảnh đầu tiên của Phúc được chụp bằng điện thoại. Đến cuối năm 2016, Phúc đầu tư máy cơ và thường xuyên cho ra lò nhiều tác phẩm chụp từ trên cao.
'Ngày còn bé, khi màn đêm buông xuống, mình thường tìm đến những căn nhà hoang để khám phá và bày đủ trò nghịch ngợm. Tính lại ưa mạo hiểm nên khi tiếp xúc với nhiếp ảnh, mình luôn muốn gửi gắm sự tò mò, khơi gợi bản tính muốn khám phá của người xem khi thưởng thức tác phẩm của mình. Và, khi biết đến thể loại chụp ảnh từ trên cao, mình hoàn toàn bị cuốn hút và mê mẩn theo đuổi nó đến giờ.' - Phúc chia sẻ.
Hiện tại, Phúc đang là nhân viên của một công ty thời trang, chàng trai thường sắp xếp lịch chụp vào chiều tối cuối tuần và sẽ đi cùng một số thành viên khác. Địa điểm chụp là nóc nhà, sân thượng của những chung cư cũ hoặc các tòa nhà cao tầng (đa phần là các ngân hàng lớn) tại Sài Gòn.
Để lên được vị trí cao nhất của tòa nhà, Phúc và người đồng hành đã cùng nhau leo thang dẫn giữa trời thế này
Đứng, ngồi chơi vơi giữa độ cao hàng trăm mét
Ý tưởng chụp Sài Gòn trên cao đến với Phúc khá ngẫu nhiên, có thể trong lúc làm việc thoáng nhìn thành phố, hoặc khi ngắm nhìn những bức ảnh trên mạng. Khi đã có ý tưởng, Phúc sẽ định hình luôn cách chụp cũng như vị trí chụp. Ngoài những tác phẩm được thực hiện theo 'kế hoạch có sẵn trong đầu', các khoảnh khắc ngoài dự kiến hoàn toàn là sự ngẫu hứng mà Phúc tình cờ 'bắt' được.
Điểm dừng chân cho những bức ảnh của Phúc là nóc nhà, sân thượng các tòa nhà cao tầng, chủ yếu là các ngân hàng lớn ở trung tâm thành phố. "Đa số ngân hàng thì đâu ai cho lên, cũng đâu ai ở lại trong đó tới 7-8h tối. Có những lần đến nơi rồi nhưng trắng tay ra về, không phải vì không chụp được mà vì ở đó view không đẹp". - Phúc chia sẻ.
Để có được những khoảnh khắc ưng ý nhất, Phúc dành nhiều thời gian cho việc canh góc chụp và canh thời điểm chụp. Phúc thường đặt máy ở rìa, mép của nóc tòa nhà để chụp. Tất cả đều là nơi khá chênh vênh và thường không có các vật dụng che chắn, bảo vệ.
Một trong những tư thế chụp mạo hiểm để có được khoảnh khắc Sài Gòn trên cao đầy ấn tượng
"Có hôm mình chụp ở một tòa nhà ở quận Bình Thạnh thì có mây tích điện trên đầu, vì mới mưa xong nên trời quang từ từ. Lúc đó vì không để ý nên đang chụp một hồi thì tóc mình và bạn mình dựng đứng lên hết.
Ban đầu thì hiện tượng nó nhẹ nhưng mà càng lúc thấy tóc càng dựng lên nhiều, cứ đứng gần nhau hoặc chạm tay vào màn hình điện thoại để chỉnh chụp thì nó xẹt tia lửa. Lúc đó mình ngưng chụp rồi đi xuống và đó cũng là lần cảm thấy sợ hãi nhất". - Phúc kể.
Đây là tác phẩm của Phúc sau lần chụp ở Bình Thạnh, khi mà tóc dựng đứng vì tích điện sau cơn mưa
Về những góc chụp có phần cheo leo, nguy hiểm, Phúc giải thích rằng đó một phần là do góc chụp và người xem khi thưởng thức thường có một cảm nhận khác. 'Mình không bắt chước các photographer nước ngoài, đu mình ra nguy hiểm nhưng mình luôn chọn góc chụp nhìn sao cho ấn tượng nhất.' - Phúc nói thêm.
Hồi hộp không biết chuyện gì sẽ đến với mình
Địa điểm cao nhất mà Phúc từng chụp sân thượng một ngân hàng tại quận 1, cách mặt đất hơn 200 mét. Ngoài ra, rất nhiều tác phẩm của Phúc ra đời từ các nóc tòa nhà ngân hàng khác, cũng ở độ cao tương đương, trên 200 mét.
Nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào của việc chụp hình trên cao nên trong quá trình đi tìm địa điểm chụp, Phúc đều xem xung quanh có gì che chắn được cho mình không, hoặc kiểm tra xem mặt phẳng trên nóc có thật sự chắc chắn để thao tác khi chụp hình.
'Đối với một số vật dụng trên nóc, dễ bị ăn mòn và hao hụt do mưa nắng nên thường mình không bao giờ chạm vào. Chỉ lên chụp và đi xuống.' - Phúc chia sẻ.
Để có được góc chụp đẹp, Phúc đã mạo hiểm bước đi trên nóc của những tòa nhà cao tầng.
Ở mỗi vị trí, Phúc thường bấm máy khoảng 40 lần rồi về lọc lại mỗi góc khoảng 2 tấm ưng ý. Để bảo quản máy móc, Phúc luôn chuẩn bị dây đeo, túi đựng máy, nắp đậy ống kính để dễ thay ống trong trường hợp cần thiết. Khi chuẩn bị xách máy đi chụp mà thời tiết xấu thì tuyệt nhiên Phúc sẽ chọn ở nhà.
Với niềm đam mê với nhiếp ảnh thì thời gian tới, Phúc vẫn duy trì việc chụp ảnh Sài Gòn từ trên cao, đồng thời tìm hiểu thêm một số thể loại mới.
"Trải nghiệm của mình khi chụp ảnh trên cao là cảm xúc, là khoảnh khắc và làm được điều mà rất ít người trên thế giới này làm được. Trải nghiệm khi biết mình phá luật, khi đi vào những chỗ như vậy sẽ rất hồi hộp và không biết chuyện gì sẽ xảy đến với mình. Nhưng nếu có tìm hiểu, có sự chuẩn bị và bản thân không phá hoại hoặc làm gì ảnh hưởng đến mọi người thì mình thấy không sao". - Phúc bộc bạch thêm.
Một số tác phẩm Sài Gòn từ trên cao của chàng trai trẻ đam mê nhiếp ảnh: