Cụ thể, tại lễ ra mắt smartwatch TalkBand B2 và smartphone P8 tại Anh mới đây, ông Richard Yu, Tổng giám đốc mảng Người dùng cá nhân của Huawei đã tuyên bố, nếu phóng viên "phỏng vấn người dùng xem họ thích sản phẩm nào hơn, câu trả lời sẽ là sản phẩm của chúng tôi".
Richard Yu, Tổng giám đốc mảng Người dùng cá nhân của Huawei. Ảnh: Bloomberg.
Một trong những mục tiêu của Huawei, theo lời ông Yu, là nhảy vào cuộc chơi wearable ngay từ những ngày đầu tiên. "Trong lĩnh vực smartphone, chúng tôi đi sau các hãng khác 3 năm. Chúng tôi nhập cuộc quá muộn, nhưng smartwatch mới chỉ bắt đầu. Tôi đã nói với các nhân viên của mình là nếu chúng ta xuất phát ngay từ đợt đầu, chúng ta sẽ dẫn đầu thị trường smartwatch. Tôi cũng đã vạch ra mục tiêu cho họ - không được phép có bất cứ lời bào chữa nào nếu không làm được".
Truyền thống của Huawei là sản xuất các thiết bị rẻ tiền chứ không phải đồ thời trang, sành điệu. Do đó, cách đây 3-4 năm, Yu đã quyết định thay đổi chiến lược. "Công nghệ của chúng tôi tốt, nhưng thiết kế trong quá khứ thì không ổn chút nào. Giờ chúng tôi có những trung tâm R&D đặt tại London và Paris, nơi chúng tôi tuyển dụng những tài năng xuất sắc nhất trong lĩnh vực thiết kế và thời trang".
Huawei tin rằng Smartphone P8 của mình còn... "tốt hơn cả iPhone".
Yu tin rằng những nỗ lực này sẽ đơm ra trái ngọt và biến TalkBand B2 thành một sản phẩm được người dùng ưa thích. Trong mắt vị quan chức này, TalkBand thậm chí còn cao cấp hơn cả Apple Watch. "Cứ hỏi người dùng xem họ thích cái nào hơn - thì đó chính là sản phẩm của chúng tôi - thương hiệu, sản phẩm, thiết kế của Huawei. Thương hiệu của Apple có thể mạnh hơn thật, nhưng sản phẩm của chúng tôi tốt hơn".
Tương tự, với smartphone, Huawei cũng muốn chen chân vào phân khúc trung và cao cấp, thay vì sản xuất các mẫu smartphone bình dân, siêu rẻ, một việc mà theo Yu là "không có lợi cho công việc kinh doanh của Huawei". Cũng một phần vì lý do này mà hãng điện thoại Trung Quốc từ bỏ ý định theo đuổi Windows Phone, tập trung toàn tâm toàn ý cho Android.
Với việc 70% doanh thu của Huawei đang đến từ các thị trường bên ngoài Trung Quốc, việc Huawei chú trọng xây dựng thương hiệu là đúng hướng. Tuy nhiên, ở rất nhiều thị trường, thuyết phục được người dùng bỏ tiền ra mua sản phẩm Huawei thay vì iPhone hay Samsung Galaxy S là một việc cực kỳ khó. Tại Mỹ, Huawei thậm chí còn phải đối mặt với những lo ngại liên quan đến bảo mật và cáo buộc rằng hãng có liên hệ với chính phủ Trung Quốc. "Chúng tôi cần có thời gian để gây dựng lòng tin", Yu thừa nhận. "Lúc đầu, chẳng ai tin chúng tôi cả, ngay cả ở Trung Quốc. Đó là một vấn đề thực sự đau đầu. Chúng tôi thiết kế ra một sản phẩm nhưng chẳng một ai tin dùng".
"Nhiều người không biết Huawei. Họ hỏi: Huawei là cái gì? Nhưng nếu chúng tôi là một công ty toàn cầu, họ sẽ dần tin tưởng", ông này kết luận.