Thông tin về thương vụ mua lại bộ phận di động Nokia của Microsoft vào thứ Ba vừa rồi có thể không làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng bốn lý do bên dưới sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về ảnh hưởng của thương vụ đình đám này đến Google và Apple.
Trước hết, ai cũng rõ Nokia đã “thuộc về” Windows Phone từ lâu. Nhà sản xuất điện thoại đến từ Phần Lan này bán ra đến 85% thiết bị di động chạy trên nền tảng Windows Phone và Nokia Lumia 520 hiện là điện thoại thông minh chạy hệ điều hành của Microsoft được bán chạy nhất. Với việc bỏ một khoản tiền khổng lồ để thâu tóm được Nokia thì khả năng phát triển hệ điều hành Windows Phone dành cho điện thoại của Samsung, HTC, Huawei hay ZTE sẽ trở nên rất mờ mịt, bất chấp tuyên bố của Microsoft rằng thỏa thuận này sẽ "giúp phát triển thị trường" cho các đối tác OEM khác của hãng.
Vậy thì tại sao đây lại là nỗi lo của Google? Quay ngược thời gian một chút, khi công bố mua lại Motorola vào cuối năm 2011, Google đã cam đoan với các đối tác OEM của Android rằng hãng sẽ không thiên vị phát triển cho Motorola. Tuy nhiên với thương vụ Microsoft-Nokia thì thế chân vạc Windows Phone-Android của các nhà OEM không còn vững chãi nữa, họ sẽ phải nghiêng hẳn vào Android.
Tất nhiên là Samsung và HTC đều không muốn mạo hiểm “đặt tất cả trứng vào một giỏ...Android”. Thực tế thì gần đây Samsung đang tập trung phát triển hệ điều hành di động Tizen của riêng mình trong một nỗ lực giảm thiểu lệ thuộc vào Android mặc dù hiện tại hãng đang chiếm đến 95% lợi nhuận của thị phần điện thoại Android. Tình hình tương tự đối với HTC khi hãng này cũng đang triển khai hệ điều hành di động mới của riêng mình.
Dĩ nhiên những điều nêu trên không làm Google, và cả Apple, lo lắng bằng việc thương vụ này nhanh chóng đưa Windows Phone trở thành đối thủ đầy khó chịu trên thị trường điện thoại thông minh và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ lưỡng quyền của iOS và Android. Việc kết hợp của Nokia và Microsoft không chỉ nhằm tăng 9.2% thị phần hiện có ở Anh Quốc mà trên thực tế Microsoft đã đặt mục tiêu phát triển gấp 3 lần thị phần của nó vào năm 2018.
Thỏa thuận này thấy Microsoft muốn tăng cường kiểm soát Windows Phone và Steve Ballmer đã cho biết rằng ông muốn tăng số lượng các ứng dụng phổ biến trên Windows Store, bao gồm các ứng dụng như Instagram. Giao diện Windows Phone được đánh giá là một trong những giao diện tốt nhất trên thị trường điện thoại di động và hiếm thấy người dùng nào phàn nàn về phần cứng của Nokia, vì vậy nếu Microsoft có thể thực hiện tốt mong muốn của hãng thì Windows Phone sẽ trở nên rất cạnh tranh trên thị trường ứng dụng.
Trên thực tế, còn có nhiều yếu tố mà Google và Apple cần phải lo lắng đến: đó là việc Nokia bàn giao hệ thống bán hàng và phân phối cho Microsoft, lượng tiền khổng lồ Nokia nhận được từ Microsoft, chưa kể đến danh mục bằng phát minh sáng chế “khủng” của Nokia mà Microsoft sẽ sở hữu…Tất cả những điều này cho thấy bằng rất nhiều cách Microsoft đang tăng tốc rất nhanh sau các đối thủ của mình.
Thương vụ trên cũng “vô tình” đặt dấu chấm hết cho Blackberry trên thị trường điện thoại thông minh, với việc Microsoft kết hợp phần mềm của mình với phần cứng của Nokia thì khả năng Microsoft sẽ trở thành lựa chọn số một trên thị trường sản xuất điện thoại thông minh ngày càng rõ ràng hơn. Tất nhiên chúng ta cũng có thể liệt kê khá nhiều rủi ro mà cả Microsoft và Nokia phải đối mặt, tuy nhiên nếu theo đúng hướng thì tương lai thành công trên thị trường điện thoại di động sẽ đón chào cả hai công ty này.