Theo ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Vietnam, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này có được là nhờ nền kinh tế đang phát triển, thị trường bất động sản (BĐS) đang ở mức đáy của chu kỳ phát triển và sự nới lỏng các quy định về quyền sở hữu dành cho người nước ngoài.
Điểm đến cho ngành sản xuất
Từ dữ liệu của CEIC, doanh thu bán lẻ của Việt Nam đang tăng dần với mức tăng 15% so với năm ngoái, trong khi các quốc gia Đông Nam Á đang tăng trưởng chậm lại hoặc tăng trưởng âm. Tốc độ tăng doanh số bán lẻ gần đây phản ánh tích cực về tiêu thụ nội địa, góp phần tăng trưởng GDP.
Một trong những phương thức chính của đầu tư tư nhân là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lượng FDI giải ngân từ tháng 1 đến 9-2015 đã tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 9,7 tỉ USD. Lượng vốn đăng ký đầu tư mới tăng với 11 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào ngành sản xuất. Trong đó, ngành năng lượng và điện tử có dự án đăng ký đầu tư với số vốn lớn nhất. Hỗ trợ từ Chính phủ về việc tư nhân hóa và thúc đẩy hiệu suất kinh doanh cũng góp phần thu hút FDI. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI đầu tư vào các khu công nghiệp chiếm 67% tổng vốn FDI với 11 tỉ USD và chiếm 59% tổng số 1.400 dự án trong 9 tháng đầu năm nay.
Các báo cáo gần đây cũng cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho ngành sản xuất khi các con số xuất khẩu tiếp tục giữ mức cao, đi ngược với sự trì trệ của các nền kinh tế định hướng xuất khẩu hàng đầu ở châu Á. Mặc dù có sự giảm mạnh của các đối tác xuất khẩu chính nhưng việc sản xuất đa dạng đã giúp ngành xuất khẩu của Việt Nam chịu ít ảnh hưởng hơn từ các cú sốc kinh tế bên ngoài. Chỉ số niềm tin rất thấp trong quý I đã hồi phục lại trong quý III và xuất khẩu đã tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, TPP cũng sẽ giúp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn khác trên thế giới và làm giảm sự ảnh hưởng từ nền kinh tế Trung Quốc.
Doanh thu bán lẻ của Việt Nam tăng mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á Nguồn: CEIC
Thị trường mới của các nhà đầu tư
Đầu tư BĐS tại các thị trường mới nổi luôn được coi là nơi đầu tư có rủi ro cao nhưng lợi nhuận có tiềm năng cao hơn. Các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào các dự án liên doanh trong các thị trường này. Họ sẽ kết hợp với nhà đầu tư trong nước có nhu cầu hỗ trợ vốn nhằm có một chỗ đứng trước tại thị trường. Ngoài ra, các thị trường mới nổi có những yếu tố tăng trưởng tiềm ẩn như gia tăng dân số và tỉ lệ đô thị hóa nhanh. Các thành phố lớn hiện đang có sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng. Vì vậy, một số khu vực sẽ được hưởng lợi từ gia tăng kết nối và sẽ làm tăng giá trị BĐS.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhà đầu tư sẽ đối mặt với một số vấn đề như: Giới hạn tiếp cận tín dụng trong phát triển BĐS; hệ thống chính quyền quan liêu, điều này có thể gây tăng chi phí và tốn thời gian, dù cho những điều luật mới đã cho phép người nước ngoài được sở hữu BĐS. Đại diện JLL Việt Nam cho biết khi thị trường dần phát triển và hoàn thiện hơn từ một thị trường cận biên chuyển thành thị trường mới nổi, khuôn khổ pháp lý và tình trạng quan liêu sẽ được cải thiện.
Thời điểm tốt để đầu tư vào Việt Nam Theo JLL Việt Nam, mặc dù nền kinh tế thế giới không ổn định, Việt Nam vẫn phát triển tốt trong 12 tháng qua. Thị trường chứng khoán tăng 12% trong năm 2015, lạm phát ổn định ở mức +/- 3% và lãi suất ngân hàng vẫn ở mức 8%-9%. Thị trường BĐS Việt Nam đã trải qua giai đoạn suy thoái trong vòng 4-5 năm trước nhưng thị trường trong 12 tháng qua đã hồi phục trở lại. Giá nhà ở tại Việt Nam giữ mức trung bình với loại căn hộ 2 phòng ngủ, 70 m2 trong tầm 10-15 phút tới khu vực trung tâm TP HCM được bán với giá 1.600-2.000 USD/m2, tương đương với 112.000-140.000 USD/căn hộ. Khi so sánh với các thành phố lớn trong khu vực, mức giá này sẽ còn khả năng tăng lên đáng kể. |
Vũ Phương lược ghi