Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định cách làm thị trường của doanh nghiệp (DN) nội địa dễ bị hụt hơi. Nhiều DN lâu nay đã thâm nhập vào thị trường nông thôn. Tuy nhiên, việc thâm nhập này phần lớn chỉ mang tính dàn trải, làm cho lấy có chứ chưa thật sự tâm huyết, bài bản cũng như lâu dài. Nhiều DN cũng hô hào làm thị trường nông thôn với hàng loạt chương trình nhưng chỉ diễn ở giai đoạn đầu với thời gian ngắn. Sau đó “lụi” dần, đâu lại vào đó, họ lại tập trung vào thị trường các thành phố lớn.
Thị trường thành phố không còn “nóng”
Ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) đã chững lại trong quý III năm nay với mức tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ mức tăng trưởng sản lượng với 3,5%. Đó là báo cáo Market Pulse mới được công bố bởi Nielsen Việt Nam.
Báo cáo dựa trên kết quả đo lường bán lẻ của ngành hàng tiêu dùng nhanh, trên những nhóm sản phẩm chính, để theo dõi liên tục việc lưu thông sản phẩm thông qua các kênh thương mại và cửa hàng bán lẻ được xác định. Các chỉ số bán lẻ cho thấy nỗ lực của nhà sản xuất và các nhà bán lẻ cũng như sức tiêu thụ của người tiêu dùng.
Các ngành hàng lớn (thức uống, thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc lá và sản phẩm chăm sóc em bé) sự phục hồi tăng trưởng dương diễn ra ở hầu hết các ngành hàng, ngoại trừ ngành hàng sản phẩm chăm sóc trẻ em. Thực phẩm đạt mức tăng trưởng 7,8%, sữa tăng 1,3%, sản phẩm chăm sóc gia đình tăng 8,2%, sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng 3,9%. Ngành hàng nước uống đã giảm nhẹ lần đầu tiên trong vòng 2 năm trở lại đây, chỉ tăng mức 4,7% trong quý III so với mức 9,2% trong quý II. Bia vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng với 9,2%.
Khác biệt tại thị trường nông thôn
Báo cáo cho thấy sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố lớn vẫn còn duy trì được ổn định trong khi khu vực đô thị còn lại đã chững lại. Còn ở nông thôn, bức tranh tăng trưởng rất khác so với khu vực thành phố. Ngành hàng các sản phẩm chăm sóc gia đình đạt mức tăng trưởng 8,2% trong 6 thành phố lớn nhưng chỉ duy trì ở mức 0,1% ở nông thôn. Ngành hàng thực phẩm đạt 7,8% tăng trưởng trong 6 thành phố lớn nhưng tăng trưởng của ngành hàng này ở nông thôn đã giảm xuống ở mức 0,3%.
“Đã đến lúc các nhà sản xuất phải bước ra khỏi vùng an toàn, đó là 6 thành phố lớn. Để nắm bắt đầy đủ các cơ hội phát triển thị trường và thúc đẩy một DN phát triển lâu dài, nông thôn - vùng đất chưa được khai thác nhiều nhưng đầy tiềm năng - là khu vực mà các nhà sản xuất cần phải tấn công vào. Cộng đồng nông thôn Việt Nam chiếm 68% của 90 triệu dân và khu vực này đóng góp vào 51% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh. Hơn nữa, người dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục và đang có sự tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong 3 năm qua. Qua 2 điểm trên cho thấy thị trường nông thôn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội nhưng vẫn chưa được nhiều DN biết đến” - đó là nhận định của ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc, Trưởng Bộ phận Đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam.
Khi đề cập các yếu tố ảnh hưởng đến việc mua hàng của người tiêu dùng nông thôn, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ các ý kiến và kiến nghị của gia đình và bạn bè, người tiêu dùng ở nông thôn Việt Nam cũng có những phản ứng tích cực từ các khuyến nghị của các nhà bán lẻ. Đa số nhà bán lẻ giới thiệu sản phẩm cho người mua hàng và đa số người mua sản phẩm đều “nghe” theo các nhà bán lẻ. Được biết có đến 27,5 triệu người mua sắm “ghé” các cửa hàng bán lẻ mỗi ngày, do đó các nhà bán lẻ có thể là một hình thức quan trọng nhằm nâng sức mạnh của một thương hiệu. Từ đó nhà sản xuất cần phải có kế hoạch cũng như cùng nhà bán lẻ triển khai các biện pháp để người tiêu dùng chú ý đến sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Anh Dũng nhận xét: “Sự kết hợp những thách thức và cơ hội ở thị trường nông thôn đòi hỏi nhà sản xuất phải có sự hiểu biết thấu đáo về người tiêu dùng nông thôn và có các lộ trình thích hợp để dành lấy thị trường tiềm năng này. Đặc biệt, kết nối và giữ lại những người ủng hộ cho thương hiệu của mình để tận dụng sức mạnh của lời nói, các nhà bán lẻ trở thành đòn bẩy làm đại sứ thương hiệu khá quan trọng. Các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ cũng nên dựa vào sức mạnh của truyền thông trong khi vẫn tập trung vào kênh truyền thông kỹ thuật số để kết nối với người tiêu dùng trẻ tuổi”.