Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu, tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn, cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, cục trưởng Cục ATTP - Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP, đề nghị các chánh văn phòng UBND, giám đốc sở y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, trưởng ban quản lý ATTP các tỉnh/TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP.
Phối hợp với sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về ATTP trong dịp Tết Trung thu. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện quy định pháp luật về ATTP về điều kiện cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm. Riêng người tiêu dùng cần lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.
Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Người tiêu dùng chỉ nên mua những sản phẩm phục vụ Tết Trung thu ở các cơ sở bảo đảm vệ sinh ATTPẢnh: Thu Trang
Tuyệt đối không mua sản phẩm không nhãn mác
Do nhu cầu sử dụng của người dân tăng mạnh và việc sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao nên vào dịp Tết Trung thu, các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này cũng tận dụng cơ hội sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các cơ sở có tên tuổi đều bảo đảm được quy định sản xuất an toàn cho các loại bánh. Tuy nhiên, cũng không ít cơ sở nhỏ, thủ công đã cố ý hoặc vô ý sử dụng các loại phẩm màu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không bảo đảm; cơ sở sản xuất chật hẹp; nhân viên không được khám sức khỏe, nặn bánh trực tiếp bằng tay chưa rửa sạch... Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất những loại bánh hình các con vật từ các loại phẩm màu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người ăn. Do điều kiện môi trường, khí hậu nóng, nhiều khói bụi, lưu thông phân phối đi nhiều vùng xa... nên bánh trung thu loại này rất dễ bị nhiễm khuẩn, biến tính, dễ hư hỏng ở bên trong mà chưa thể hiện ra ngoài vỏ bánh. Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua những sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu ở các cơ sở đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế; phải xem xét kỹ nhãn mác sản phẩm có ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng; tuyệt đối không mua, không sử dụng sản phẩm không nhãn mác. Đồng thời, thông báo với các cơ quan có trách nhiệm khi phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm vệ sinh ATTP, để xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.