Câu chuyện trên là 1 trong những bài học đắt giá về Phòng vệ thực phẩm (PVTP). Hiện nay, vấn đề thực phẩm bẩn, dị vật trong các sản phẩm luôn được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Liên tục gặp sự cố, nhưng không nhiều doanh nghiệp trong nước áp dụng PVTP.
PVTP - cũ người mới ta
Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của chính trị xã hội, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) khởi xướng các biện pháp bảo vệ được thiết lập đối với các khu vực nhạy cảm trong chuỗi cung ứng, quá trình chế biến và phân phối các nguồn cung cấp thực phẩm cho nước Mỹ.
Tại Việt Nam, khái niệm PVTP còn khá xa lạ và chưa được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, mà hầu như chỉ mới biết và triển khai quy chuẩn Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xét về bản chất, 2 khái niệm này đều hướng đến bảo đảm thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, giữa PVTP và An toàn thực phẩm (ATTP) có nhiều điểm khác biệt. Khi ATTP bảo vệ các sản phẩm/thực phẩm từ những tác nhân gây ô nhiễm/tổn hại không có chủ đích, thì PVTP bảo vệ khỏi tác nhân gây ô nhiễm/tổn hại có chủ đích ngay từ ban đầu, vốn rất khó kiểm soát, khó dự đoán.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20-4, cả nước có khoảng 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động. 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp ở lĩnh vực thực phẩm và đồ uống tăng trưởng nhanh cả về số lượng, chất lượng và được đánh giá có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá được những mặt hạn chế: khả năng liên kết từ khâu sản xuất, chế biến còn lỏng lẻo; công tác phát triển vùng nguyên liệu chưa được đẩy mạnh; công nghệ sản xuất vẫn còn lạc hậu. Đặc biệt, tự bản thân doanh nghiệp chưa ý thức chủ động về vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, PVTP... dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm tiêu thụ trong nước trước áp lực hội nhập và là rào cản khi xâm nhập thị trường quốc tế.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 150 - 200 vụ ngộ độc thực phẩm với 5.000 - 7.000 người là nạn nhân. Con số này càng khẳng định tình trạng nhức nhối của việc thiếu quan tâm Vệ sinh an toàn thực phẩm và PVTP tại nước ta.
Người tiêu dùng ngày càng chú trọng và ưu tiên chọn lựa thực phẩm an toàn từ các thương hiệu có uy tín
Tại Mỹ, các doanh nghiệp trong ngành chế biến và phân phối thực phẩm bắt buộc thực hiện kế hoạch PVTP ngay từ đầu. Đối với Việt Nam, chỉ đến khi xảy ra hàng loạt sự cố liên quan đến vệ sinh an toàn, ngộ độc, các doanh nghiệp mới thấy tầm quan trọng của kế hoạch này. Sự tấn công có thể xảy ra ở bất kỳ khâu nào như: trồng trọt, chế biến, phân phối, lưu trữ, bán lẻ, vận chuyển và thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng con người, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm còn ý thức xây dựng hệ thống PVTP. Tuy nhiên, việc áp dụng một cách bài bản về PVTP là điều không dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cần sự chung tay của các doanh nghiệp
Được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp Mỹ thông qua Đại sứ quán Mỹ, năm 2010 tại Việt Nam chỉ có 5 đơn vị đầu tiên tham gia khóa học về PVTP theo chương trình của FDA. Theo đó, các doanh nghiệp này đã nhanh chóng triển khai nghiên cứu, áp dụng và đúc kết thành một quy trình PVTP hiệu quả tại chính đơn vị mình.
Như tại một doanh nghiệp cung ứng thực phẩm tươi sống trong nước, với định hướng chiến lược tiếp cận thị trường bằng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, công ty này đã thực hiện và không ngừng cải tiến quy trình liên kết khép kín trong chuỗi kinh doanh, chủ động kết hợp, huy động các nguồn lực xã hội tập trung cho chuỗi giá trị đi từ khâu sản xuất chế biến đến khâu phân phối, đồng thời vận hành hệ thống PVTP nhằm hạn chế tối đa các yếu tố gây ô nhiễm/tổn hại, đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.
Tương tự, một doanh nghiệp sản xuất sữa nổi tiếng, sở hữu trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng hệ thống PVTP, nhận biết người tiêu dùng không chỉ băn khoăn về nguồn gốc, xuất xứ nguồn sữa nguyên liệu đầu vào, mà còn quan tâm tới quá trình sản xuất chế biến, sản phẩm của đơn vị này khi cung cấp ra thị trường luôn đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2005; chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật do Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia; giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của các cơ quan đủ thẩm quyền.
Các doanh nghiệp ngày càng nâng cao ý thức trong việc tự phòng vệ và đảm bảo chất lượng sản phẩm
Một kế hoạch PVTP thông thường bao gồm các biện pháp an ninh bên ngoài; an ninh bên trong; an ninh về nhân viên; an ninh hậu cần và các biện pháp phản ứng khi có biến cố. Đó là những chia sẻ của đại diện Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh - một thành viên thuộc Tập đoàn TTC tại chuỗi Hội thảo Nâng cao nhận thức Phòng vệ thực phẩm được tổ chức liên tục trong 3 năm qua trên các tỉnh thành lớn: TP HCM, Tây Ninh, Biên Hòa, Bình Dương, Long An, Cần Thơ và dự kiến trong năm nay sẽ được tổ chức ở miền Trung và miền Bắc.
Từ kinh nghiệm tại TTC, có 3 nguyên tắc quan trọng để PVTP hiệu quả gồm: bảo vệ thương hiệu, sản phẩm từ bên trong lẫn bên ngoài, diễn tập thường xuyên cho cán bộ nhân viên trong nhà máy và áp dụng quy tắc FIRST - chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm của Mỹ. TTC luôn đặt mục tiêu đảm bảo PVTP lên hàng đầu, từ đó nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng toàn diện bằng cách ban hành các văn bản, quy định, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động mang tính cam kết lâu dài của lãnh đạo và cán bộ nhân viên, tất cả được tuyên truyền rộng rãi và vận động thực hiện một cách nghiêm túc. Có thể nói, đây là một trong số ít doanh nghiệp có cái nhìn chủ động về PVTP và có động thái đóng góp tích cực vào việc cung cấp các kiến thức học thuật, chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm thực tiễn đến hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng thực phẩm và đồ uống.
Trong một báo cáo mới đây, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật… liên tục gặp khó khăn. Việc áp dụng PVTP tại các nhà máy sản xuất trong thời gian qua cũng là một trong những phương thức "đi trước đón đầu" để TTC có thể tiếp cận được nhiều thị trường xuất khẩu lớn và đa dạng khác, đồng thời qua đó thể hiện tính trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng.