Đó là kết quả khảo sát mới nhất do trường đại học hàng đầu nước Đức - Technische Universitat Munchen (TUM), Công ty Nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung (GfK) và tập đoàn bán hàng trực tiếp Amway thực hiện có chủ đề “Định nghĩa tinh thần khởi nghiệp”.
Khát khao làm chủ
“Định nghĩa tinh thần khởi nghiệp” bao gồm các yếu tố như tinh thần ham học hỏi, mong muốn được trải nghiệm cuộc sống và gánh vác trách nhiệm các doanh nhân tương lai. Trong số gần 50.000 người tham gia trả lời phỏng vấn tại 44 quốc gia có độ tuổi từ 14 có đến 99, 71% số người được hỏi ở Việt Nam có một thái độ tích cực đối với việc khởi nghiệp kinh doanh, 89% số người được hỏi có mong muốn bắt đầu kinh doanh riêng, 75% nghĩ rằng bắt đầu kinh doanh là khả thi và 67% không dễ dàng bị môi trường xã hội tác động vào quyết định khởi nghiệp của mình.
Mặc dù có sự khác nhau giữa các quốc gia được khảo sát, nhưng điểm đáng chú ý là tại mỗi quốc gia đa số những người tham gia khảo sát đều có thái độ tích cực về tinh thần khởi nghiệp kinh doanh với tỉ lệ chung là 75%. Điểm khác biệt duy nhất giữa các quốc gia đó là do sự khác biệt về văn hóa. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhóm đối tượng từ 34 tuổi trở xuống có mong muốn mạnh nhất trong việc làm chủ. Độ tuổi càng tăng khát khao khởi nghiệp càng giảm nhưng những người trung niên (từ 35 đến 49 tuổi) lại là nhóm đối tượng có sự tự tin nhất trong việc kinh doanh vì họ có các nguồn lực và các kỹ năng cần thiết.
Độc lập và tự hoàn thiện
Trở thành một nhà doanh nghiệp liên quan đến 2 yếu tố quan trọng. Thứ nhất là cơ hội kinh doanh và thứ hai là ý định để bắt đầu khởi nghiệp. Trong khi cơ hội kinh doanh được mọi người nhận định chung là khá khan hiếm thì đa số mọi người đều có ý định trở thành một doanh nhân. Trong năm 2015, các tiềm năng kinh doanh - đo tỉ lệ những người có thể tưởng tượng được bắt đầu kinh doanh - vẫn còn cao ở mức 43%.
Ngoài đánh giá thái độ chung đối với tinh thần khởi nghiệp, nghiên cứu cũng xác định thái độ cụ thể hướng tới tinh thần kinh doanh. Yếu tố liên quan đến thu nhập và tính độc lập là những động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, bên cạnh đó, rủi ro lại là yếu tố cản trở tinh thần khởi nghiệp. Nỗi sợ hãi của thất bại là một trở ngại mạnh mẽ đến hơn 2/3 số người được hỏi, chủ yếu là do nỗi sợ hậu quả tài chính từ việc kinh doanh thất bại. Nhìn chung, độc lập và tự hoàn thiện là những lý do hấp dẫn nhất để mọi người bắt đầu khởi nghiệp. Giải quyết được những vấn đề này có thể cung cấp cho các doanh nhân tiềm năng những động lực để họ bắt đầu kinh doanh.
Với một quốc gia gần 100 triệu dân, đang ở thời kỳ dân số vàng, Việt Nam có cơ hội phát triển nhanh trong ASEAN nếu khởi động được tinh thần làm chủ của mọi người, đặc biệt lực lượng thanh niên.
Vũ Phương