Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã dành nhiều thời gian giải trình thêm về đề án thay đổi một số luật thuế, trong đó có đề xuất tăng thuế VAT.
Bà Mai khẳng định việc tăng thuế VAT lên 12% không làm ảnh hưởng đến người nghèo. Tăng thuế còn nhằm mục đích tái cơ cấu ngân sách Nhà nước.
"Thuế VAT không có mắt"
Sau ý kiến này, nhiều độc giả Zing.vn cho rằng việc tăng thuế dù không trực tiếp thì cũng gián tiếp làm tăng giá nhiều mặt hàng khác.
Một độc giả lấy ví dụ bó rau miếng thịt để đến được tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu. Các khâu này chịu ảnh hưởng của việc tăng thuế thì đều tính cả vào rau thịt.
Đồng tình với nhận định trên, một độc giả khác lấy ví dụ tăng thuế VAT lên mức 12% sẽ làm ảnh hưởng đến giá xăng, điện, nước - những mặt hàng thiết yếu của người dân. Hiển nhiên, rau củ quả đều phải có khâu vận chuyển. Giá vận tải hàng hóa tăng lên gián tiếp làm giá nhiều mặt hàng tăng theo.
Anh Lê Quốc Diễn thì ví von thuế VAT là loại "không có mắt". Thuế này làm ảnh hưởng không phân biệt người giàu, nghèo, nam giới hay phụ nữ, người trẻ hay người già vì "cứ tiêu dùng mặt hàng như nhau thì đóng thuế như nhau".
Độc giả này khẳng định thuế VAT ở Việt Nam đang ở mức trung bình chứ không phải quá thấp.
Theo đó, thuế suất VAT phổ thông (standard VAT) có thể dao động từ mức 5% như ở Đài Loan, Kuwait hay Nigeria cho đến 25-27% như ở nhiều nước EU. Ở một số nước láng giềng, thuế suất VAT khá thấp như Đài Loan (5%), Thái Lan (7%) hay Singapore (7%). Ngoài ra một số nước cao như Philippines (12%) và Trung Quốc (17%).
Bạn đọc khác tên Dương Thanh thậm chí còn đề xuất tại sao không làm ngược lại là giảm thuế suất VAT xuống còn 8%. Theo anh Thanh, khi giảm thuế VAT sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng hơn, hàng hóa trong nước cạnh tranh hơn, tiêu thụ tốt hơn... Khi đó thuế nộp sẽ nhiều hơn góp phần tăng ngân sách.
Tuy nhiên, một số người đồng tình với phương án tăng thuế từ 10% lên 12% và cho biết điều này có thế "khiến doanh nghiệp bớt trốn thuế".
"Người nghèo khó gánh thêm thuế dù là rất nhỏ"
Ngay sau đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết giải trình mới của Bộ Tài chính có nét mới đó là không đánh thuế vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm thiết yếu cho cuộc sống.
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng Bộ Tài chính cần công khai rõ ràng các mặt hàng thiết yếu đó là những loại nào, khi đó người nghèo sẽ không bị thu thuế cao. Ông lấy ví dụ khi người nghèo vào siêu thị, tổng hóa đơn bán lẻ hàng hóa sẽ tự động tính thêm 10% thuế VAT không phân biệt có mặt hàng thiết yếu hay không.
Ông Phong vẫn giữ quan điểm là không nên tăng mức thuế VAT phổ thông lên cao như đề xuất, thay vào đó chỉ tập trung vào một số mặt hàng mà Nhà nước không khuyến khích.
Đề xuất đánh thuế nhắm vào người giàu
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhắc đến thuật ngữ "domino" khi nói về chuyện tăng thuế VAT.
"Tăng thuế ảnh hưởng đến những người trong chuỗi cung ứng hàng hóa với nhau. Không có chuyện 'ngăn sông cắt khúc' các loại hàng hóa. Trong nền kinh tế thị trường, các mặt hàng ảnh hưởng đến nhau", ông Hiển nhấn mạnh.
Ông Hiển đưa ra ví dụ người nghèo có thể không trực tiếp sử dụng hàng hóa bị tăng thuế nhưng có thể chịu ảnh hưởng dây chuyền. Ví dụ tăng thuế VAT vào giá thuê mặt bằng của doanh nghiệp bán lương thực thực phẩm. Giá thuê mặt bằng tăng kéo theo việc lương thực, thực phẩm không thể không tăng. Ngoài ra còn có việc tăng thuế với điện, xăng, nước...
Kết luận lại, ông Hiển một lần nữa khẳng định đối tượng tổn thương nhiều nhất khi tăng thuế VAT là người nghèo, cho dù họ không phải là người bị tác động lớn nhất.
"Người nghèo không còn dư địa để chống trả lại việc tăng thuế. Họ có thể thu nhập 5 triệu nhưng chi hết cả 5, không còn để gánh thêm nữa dù là rất nhỏ", ông Hiển nhấn mạnh.
Chuyên gia này khẳng định chỉ có một loại thuế duy nhất không ảnh hưởng đến người nghèo là thuế tài sản, đánh vào người giàu. Nhà nước cần xem xét ban hành loại thuế này.