Nằm trong loạt hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10, chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, sáng 21-10, LĐLĐ quận 3, TP HCM đã tổ chức chương trình "Ngày hội Công nhân viên chức - lao động" tại Trường Tiểu học Trương Quyền với sự tham gia của 1.500 người lao động trên địa bàn quận.
Người nhà sát cánh cùng thí sinh
Tâm điểm của ngày hội là hội thi nấu ăn chủ đề "Sắc vàng hạnh phúc" xoay quanh phần thi đổ bánh xèo, bánh khọt do Công ty Bột Quốc tế Intermix nhãn hiệu bột bánh xèo Hương Xưa - MIKKO tài trợ.
Mặc dù tổ chức vào thứ bảy là ngày nghỉ của học sinh nhưng từ sáng sớm, sân trường đã nhộn nhịp tiếng nói cười, sự chuẩn bị chu đáo của đông đảo thí sinh người lớn. Hội thi thu hút được 60 đội cùng tham gia so tài, mỗi đội gồm 3 thí sinh nhưng lực lượng cổ động viên, người nhà cùng sát cánh bên cạnh có lẽ còn nhiều hơn thí sinh đã tạo nên một không khí thật sự sôi động, rộn ràng. Các thí sinh dự thi được tài trợ toàn bộ vật liệu, vật dụng để đổ bánh xèo, bánh khọt. Tuy nhiên việc chuẩn bị cho các thực phẩm liên quan như xử lý rau ăn kèm, pha nước chấm, thực hiện các tiểu cảnh để trưng bày "tác phẩm" của mình cũng chiếm khá nhiều thời gian.
Đội Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107
Tự chuẩn bị trang phục
Mặc dù không quy định về trang phục nhưng các thí sinh đến từ Trường Tiểu học Trần Quang Diệu gồm 2 bảo mẫu là Nguyễn Thị Thanh Vân, Nguyễn Thái Thanh Trúc và cô giáo Lã Nguyễn Diễm Hoài đã thu hút sự chú ý của ban giám khảo khi họ duyên dáng trong trang phục bà ba Nam Bộ và chiếc khăn rằn quấn cổ. Các cô lý giải: Bánh xèo là món ăn đặc sản của người miền Tây Nam Bộ nên tụi em chọn trang phục bà ba và khăn rằn khi nấu ăn để tôn vinh trọn vẹn văn hóa miền Tây. Đội của Trường Tiểu học Trần Quang Diệu chọn chủ đề "Hoa sen và em" để trình bày sản phẩm dự thi của mình. Bởi lẽ hoa sen là loài hoa thanh cao và thuần khiết, được xem như quốc hoa của dân tộc Việt; còn người phụ nữ Việt Nam với những đức tính "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" cũng như cần cù, chịu thương, chịu khó và tràn đầy sức sống vươn lên được cả thế giới ngưỡng mộ và tôn vinh nên rất xứng đáng chọn làm biểu tượng cho phần dự thi của đội. Thí sinh Diễm Hoài cho biết: Đây là lần đầu tiên tham dự cuộc thi nên cả đội phải chuẩn bị từ nửa tháng trước. Cám ơn nhãn hiệu MIKKO đã rất chu đáo trong việc tài trợ toàn bộ vật liệu, vật dụng cho thí sinh nên các đội tham gia không phải chuẩn bị nhiều. Đến tham dự cuộc thi, các bạn xác định "vui là chính" nên không quan tâm nhiều đến kết quả, chỉ xem đây là một cơ hội để thử thách mình và có điều kiện học tập thêm từ các đội bạn.
Các thí sinh Đội Trường Tiểu học Trần Quang Diệu duyên dáng trong trang phục bà ba Nam Bộ và chiếc khăn rằn quấn cổ
"Đấng mày râu" cũng tham gia
Tham gia cuộc thi đổ bánh xèo lần này không chỉ có "phe tóc dài" mà còn có sự hiện diện của "đấng mày râu". Đó là các thí sinh đến từ Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo. Ngoài "nữ tú" Nguyễn Thị Thanh, bảo mẫu của trường còn có 2 "nam thanh" làm nhiệm vụ cấp dưỡng là Nguyễn Văn Hiền và Trần Bá Phước. Chọn tên gọi "Tổ ấm yêu thương" cho phần dự thi của mình, các bạn đã chuẩn bị rất công phu phần thuyết minh bằng một bài thơ rất dễ thương: "Bánh xèo ẩm thực Việt Nam. Đem ra thế giới tiếng tăm lẫy lừng... Bánh mẹ đổ: dẻo, giòn, thơm, béo. Gọn trong lòng thịt, giá, đậu, tôm. Cha nếm, mẹ nêm, con hí hửng. Tình mặn nồng - tổ ấm yêu thương!". Bảo mẫu Nguyễn Thị Thanh tự tin cho biết đây là lần đầu tiên tham gia thi đổ bánh xèo nhưng đội đã tham gia rất nhiều hội thi nấu ăn trước đó và từng đoạt giải quán quân trong cuộc thi pha chế vừa diễn ra trong năm. Do có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc thi nên đội đã cố gắng tạo sự khác biệt và hy vọng sẽ đoạt giải cao trong hội thi lần này.
Tham gia cuộc thi không chỉ có “phe tóc dài” mà còn có sự hiện diện của “đấng mày râu” trong Đội Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo
Đại diện ban giám khảo - Nhà giáo Ưu tú Triệu Thị Chơi, chuyên gia văn hóa ẩm thực, nhận xét về cuộc thi: Đây là một sân chơi hấp dẫn cho chị em phụ nữ để trổ tài nấu nướng, trao đổi kinh nghiệm bếp núc. Với tất cả nguyên vật liệu có sẵn, các thí sinh phải thể hiện sự khéo léo của đôi tay để tạo ra những chiếc bánh đẹp về màu sắc, ngon về khẩu vị và vận dụng sự tinh tế của kiến thức, thẩm mỹ trong trình bày. Qua cuộc thi này, hy vọng món bánh xèo sẽ được nhân rộng hơn nữa để các bà nội trợ quan tâm sử dụng đến các nguyên liệu chế biến từ gạo là nguồn lương thực chính của dân tộc.