Nhiều năm qua, TP HCM đã liên kết chặt chẽ với các tỉnh Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ... để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Địa phương vào cuộc
Dù đã cung cấp 10% tổng sản lượng hàng hóa vào chợ đầu mối Bình Điền mỗi ngày từ 2 tháng nay nhưng mới đây, lãnh đạo tỉnh Long An vẫn chủ động tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản thực phẩm với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) nhằm đẩy mạnh chiến lược mở rộng vùng nguyên liệu cho SATRA.
Theo ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, với thế mạnh nông nghiệp, Long An có những mặt hàng nông sản đặc trưng như: rau lá, rau mùi, rau gia vị, thanh long, chuối, chanh, thịt heo, gà, vịt... Đặc biệt, Long An có những vùng trồng rau an toàn với diện tích lớn như huyện Cần Giuộc với hơn 1.800 ha chuyên canh rau màu; đạt sản lượng khoảng 130.000 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ ở
TP HCM. Tuy nhiên, tỉnh vẫn muốn “ngồi lại” với SATRA để nắm bắt và cung cấp đúng nhu cầu thực tế của thị trường.
Cũng như Long An, Lâm Đồng sở hữu diện tích trồng atisô - loại dược liệu quý với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe - đến cả 100 ha. Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm trà atisô như trước đây, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng đơn vị dược lớn của tỉnh là Ladophar đã nỗ lực tìm kiếm thị trường tại xứ sở phù tang. Sau thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tháng 3-2017, Công ty Rohto (Nhật) đã cùng Ladophar cho ra đời sản phẩm Alcofree được chiết xuất hoàn toàn từ nguồn nông sản địa phương và áp dụng nghiêm ngặt bộ tiêu chuẩn GACP WHO cho toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến.
Tương tự như vậy, nhờ mô hình trồng nghệ vàng thành công theo tiêu chuẩn GACP của tỉnh Bắc Ninh mà Công ty Rohto (Nhật) đã hợp tác với tỉnh đưa ra thị trường sản phẩm Blossomy - loại thức uống collagen dành cho phụ nữ.
Hội nghị hợp tác xúc tiến tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa SATRA và tỉnh Long An Ảnh: Satra
Thắt chặt liên kết “4 nhà”
Từ nhiều năm nay, mô hình liên kết “4 nhà”: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông đã trở thành chìa khóa để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Tuy nhiên, dù đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ trong thời gian qua nhưng kết quả hợp tác giữa các tỉnh và doanh nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các bên. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc SATRA, cho biết: Để hàng hóa vào được hệ thống SATRA nhiều hơn nữa, các nhà cung cấp của các tỉnh cần hoàn thiện hồ sơ chứng minh chất lượng hàng hóa đạt chuẩn; bảo đảm yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm; có xác nhận của cơ quan chức năng liên quan đến chất lượng và nguồn gốc... Ngoài ra, phải bảo đảm cung ứng hàng hóa ổn định, không gián đoạn với giá cả cạnh tranh; bao bì đóng gói theo quy chuẩn chung để tiện truy xuất nguồn gốc, hình thức thanh toán đúng hạn, linh hoạt và thể hiện năng lực tài chính tốt. Về phần mình, SATRA cam kết sẽ hỗ trợ các tỉnh thiết kế lại bao bì sản phẩn, quảng bá thương hiệu, cùng địa phương hướng dẫn bà con hoàn thành hồ sơ năng lực nhà cung cấp, hồ sơ chất lượng sản phẩm... nhằm đưa những đặc sản Việt Nam chất lượng cao vào hệ thống của SATRA trong thời gian tới.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng vào WTO, doanh nghiệp cần nắm bắt đầy đủ kiến thức về WTO, nhanh chóng đổi mới và chủ động hội nhập. Các doanh nghiệp cần có chiến lược và kế hoạch hoạt động phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; xây dựng và chăm sóc thương hiệu theo định hướng cạnh tranh lành mạnh. Để các mối liên kết thật sự mạnh, ngoài việc có năng lực tổ chức khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, cần có các doanh nghiệp giàu tâm huyết, có trách nhiệm với nông dân và sự nghiệp phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Về vai trò của nhà nước, cần thu thập thông tin, nghiên cứu, đưa ra dự báo về cung cầu thị trường, những quy hoạch sản xuất để tư vấn cho người dân biết. Đồng thời nghiên cứu các cơ chế, chính sách có lợi cho doanh nghiệp, nông dân; tạo môi trường pháp lý cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp. Nhà nước phải có giải pháp đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và nông dân một cách thiết thực; đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện trên từng địa bàn cụ thể...
Riêng nhà nông cũng phải quen dần với việc làm ăn theo luật, theo quy ước và thông lệ quốc tế, phải bỏ thói quen làm ăn tự phát để chuyển qua cách tăng cường liên kết; tôn trọng hợp đồng cả về số lượng, chất lượng sản phẩm và thời gian cung ứng.
Nâng tầm thương hiệu Việt
Trong buổi ra mắt sản phẩm Alcofree tại Lâm Đồng đầu tháng 3-2017, cô Haruka SO - đại diện Công ty Rohto Nhật Bản - rất tự hào vì chất lượng của sản phẩm là “kết hợp từ tình hữu nghị của hai nước Việt - Nhật”. Cô nhấn mạnh: Từ năm 2013, atisô Đà Lạt đã được bình chọn trong Top “50 đặc sản quà tặng nổi tiếng châu Á” và lọt vào Top “50 các món ăn, trái cây đặc sản Việt Nam” do sách kỷ lục Guinness Việt Nam ghi nhận. Sử dụng nguồn nguyên liệu quý báu như vậy, Alcofree chắc chắn sẽ là sản phẩm tốt từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe cộng đồng, tốt cho môi trường. Sản phẩm này dự kiến sẽ được Rohto xuất khẩu về Nhật và một số quốc gia khác. Cô cũng tin rằng Việt Nam còn rất nhiều nguồn thảo dược tự nhiên đang “ngủ quên” nên sứ mệnh của Rohto là tiếp tục khai phá để giới thiệu ra thị trường trong cũng như ngoài nước.
Trước đó, chuối Fohla - một thương hiệu chuối Việt Nam, xuất xứ từ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, được sản xuất theo quy trình sạch, hoàn toàn hữu cơ cũng đã trở thành niềm tự hào cho hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Sắp tới, chuối Fohla sẽ mở rộng thị trường sang Mỹ, Nga... với chiến lược xuất khẩu ổn định 10.000 tấn/năm.