Phát triển nội lực đối với bất cứ nền kinh tế nào cũng là chủ trương vừa mang tính thời sự vừa mang tính lâu dài. Năm 2012, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Y tế đã đưa ra sáng kiến về phong trào “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”.
Thuốc Việt đáp ứng 50%
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết từ khi triển khai chương trình, thuốc sản xuất trong nước có mặt trong các bệnh viện (BV) đã tăng lên rõ rệt: tuyến huyện tăng từ 61% trước khi triển khai lên 69,3%; tuyến tỉnh từ 31% năm 2010 lên 35%; riêng tuyến trung ương thì con số khiêm tốn hơn, trung bình đạt 11%. Tuy nhiên, ở một số BV trung ương, tỉ lệ sử dụng thuốc nội khá lớn, như BV Việt Đức (Hà Nội) 30%, BV Chợ Rẫy (TP HCM) 40% và đặc biệt là BV Thống Nhất (TP HCM) lên đến 65%. Tỉ lệ tăng dù chưa như mong muốn nhưng bước đầu đã thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, nhà nước về việc ưu tiên dùng thuốc nội.
Đến nay, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng thuốc về giá trị tiền. Cả nước có 163 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP - WHO (thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).
Danh mục 146 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thuốc tuy còn khiêm tốn về số lượng so với hơn 1.000 thuốc trên thị trường nhưng lại là cơ hội lớn cho thuốc nội khi đây là những thuốc thiết yếu, thuộc danh mục thuốc đấu thầu, dùng nhiều, có mặt ở tất cả nhóm điều trị.
Giải pháp tăng thị phần?
Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có chuyến kiểm tra năng lực của doanh nghiệp (DN) dược trong nước (Công ty CP Traphaco) và hiệu quả của việc sử dụng thuốc nội trong BV (BV Nhi trung ương) thông qua đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế triển khai.
Tại BV Nhi trung ương, do đặc thù là BV đa khoa tuyến cuối chuyên ngành nhi, nơi tập trung các ca bệnh nặng, phức tạp nên việc thực hiện đề án trên còn gặp nhiều khó khăn. Tỉ lệ sử dụng thuốc Việt cho bệnh nhân tại đây chưa cao.
Kiểm tra dây chuyền sản xuất của Traphaco, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của đơn vị này trong phát triển thuốc Việt với hàng trăm hecta diện tích trồng dược liệu sạch, tạo công ăn việc làm cho bà con bản địa; đơn vị có đến 5 sản phẩm được vinh danh “Ngôi sao thuốc Việt”. DN này đạt doanh thu 1.500 tỉ đồng trong 9 tháng qua, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.
Mặc dù các sản phẩm đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” của Bộ Y tế là các sản phẩm có chất lượng tốt, bán tốt tại các hiệu thuốc bên ngoài nhưng trong các cơ sở điều trị, số lượng các sản phẩm này thậm chí sụt giảm. Ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Traphaco, đưa ra 2 lý do về tình trạng này. Một là, chi phí đầu tư cho chất lượng cao hơn, như: chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào do Bộ Y tế chứng nhận, nghiên cứu khoa học đầy đủ và bài bản, hệ thống sản xuất công nghệ cao, từ đó dẫn đến giá thành cao. Hai là, do Luật Đấu thầu còn nặng về giá, chưa có phân loại đấu thầu xếp hạng cho những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng. Do vậy, sẽ rất khó khăn trong việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế với các DN nhỏ, không chú trọng tạo các sản phẩm vượt trội mà chỉ cạnh tranh về giá.
Có thể thấy, giải pháp quan trọng nhất để tăng thị phần thuốc nội vẫn là có cơ sở pháp lý phù hợp, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp. Tiếp theo là việc tuyên truyền tới người dân, bác sĩ, cộng đồng về tính tự tôn dân tộc. “Trong thời gian tới, cần phải sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, ưu tiên cho các loại thuốc trong nước. Thuốc nào sản xuất trong nước từ dược liệu của chúng ta, những thuốc nào chúng ta phát huy được thế mạnh thì sẽ ưu tiên. Thứ hai là sức mạnh truyền thông, truyền thông tốt thì bác sĩ mới hiểu để kê đơn thuốc, bệnh nhân mới hiểu uống thuốc loại nào” - ông Trương Quốc Cường chia sẻ.
Còn rất nhiều khó khăn trước mắt cho các DN khi tiếp cận thị trường trong việc đấu thầu và số lượng thuốc trong nước được vào BV. Song, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng ở tương lai thuốc Việt lên ngôi, bảo đảm được những lợi ích về giá và chất lượng cho người dân.
Ưu tiên cho thuốc nội
Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP đều quy định ưu tiên thuốc sản xuất trong nước. Gần đây, Luật Dược (sửa đổi) - có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 - đã có hẳn một chương riêng (chương II) thể hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách phát triển thuốc sản xuất trong nước.Thông tư 10/2016/TT-BYT đã ban hành danh mục 146 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Đây là những hành lang pháp lý tạo điều kiện để thuốc sản xuất trong nước phát triển.