Cuộc nói chuyện với giáo sư cũng chỉ kéo dài vỏn vẹn chưa đầy 1 giờ vì lý do sức khỏe nhưng khi vào việc, ông lại làm quên hết mệt mỏi chỉ vì cái tâm dành cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn kém may mắn
Nói giáo sư Nguyễn Đức Vy là con nhà nòi cũng chẳng ngoa. Bởi ông có mẹ làm trong lĩnh vực sản khoa, bố là bác sĩ chuyên khoa ngoại. Giờ cậu con trai út lại theo nghiệp ông làm bác sĩ sản tại bệnh viện phụ sản Trung ương. Là người đam mê nghiên cứu nên tình yêu khám phá học hỏi cái mới của ông đã truyền cảm hứng cho các con của mình. 3 người con của giáo sư Vy đều học đến cấp bậc cao và đảm nhận vị trí trọng trách trong các bộ, ban, ngành.
Giáo sư Nguyễn Đức Vy cũng cống hiến cho nền y học nước nhà 28 công trình khoa học và nhận được rất nhiều bằng khen của Thủ tướng và cấp bộ, ban, ngành. Nhưng điều trị vô sinh mới là lĩnh vực ông hoàn toàn bị cuốn hút, cùng một nỗi canh cánh trong lòng. Đây cũng chính là động lực để ông miệt mài sáng chế ra sản phẩm "made in Việt Nam": Cần quay nâng tử cung Vy-86 (do Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cấp năm 1987).
Với người không may bị chuẩn đoán vô sinh, hiếm muộn thì bằng sáng chế của giáo sư Vy có ý nghĩa vô cùng to lớn, thắp lên hi vọng làm cha làm mẹ cho những người kém may mắn.
Vi phẫu vòi tử cung chữa vô sinh
Trong buổi nói chuyện ngắn ngủi tại ngôi nhà giản dị nơi giáo sư Vy sinh sống những ngày hưu vẫn bận rộn với công việc chữa bệnh cứu người, ông hồi tưởng, kể lại công trình nghiên cứu của mình.
Bộ cần quay nâng tử cung Vy-86 được giáo sư Vy nâng niu trân trọng
Ngược trở lại những năm 1980, Việt Nam thực hiện chính sách Kế hoạch hóa gia đình bằng phương pháp triệt sản. Nhưng nhiều gia đình không may gặp cảnh con ốm đau, tai nạn, muốn sinh đẻ thêm mà không thể bởi vòi tử cung của người phụ nữ sau khi triệt sản bị chia tách.
Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Đức Vy đã sáng chế ra sản phẩm "Cần quay nâng tử cung VY-86", được Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cấp bằng ngày 4-3-1987. Không chỉ giúp xử lý các dính tắc ở 2 vòi tử cung trong điều trị vô sinh mà phát minh này còn được ứng dụng vào một số phẫu thuật khác ở tiểu khung trong điều trị vô sinh do nhân xơ, u xơ tử cung, bóc tách u nang nhỏ ở buồng trứng…
Sáng chế này được đưa đi triển lãm Quốc tế 17 nước ở Matxcơva; được cấp bằng sáng chế và được công bố quốc tế ngày 23-3-1987; Huy chương bạc Hội chợ Quốc tế. Thành công vang dội của kỹ thuật này không chỉ được đánh giá cao và áp dụng tại Việt Nam mà cả ở một số nước trên thế giới.
Người thầy thuốc nhân dân mang đến hạnh phúc làm cha làm mẹ
Về hưu đã lâu nhưng giáo sư Nguyễn Đức Vy vẫn giữ thói quen cẩn thận và tâm huyết với những điều mình chia sẻ
Sau ca phẫu thuật đầu tiên vào năm 1996, kỹ thuật vi phẫu vòi tử cung đã trở thành thường quy tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương với chi phí rất thấp. Hàng ngàn trường hợp đã được phẫu thuật vi phẫu vòi tử cung. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngàn gia đình có được niềm hạnh phúc thiêng liêng: Được cưng nựng và ôm trong lòng đứa con mình mang nặng đẻ đau.
GS. Vy chia sẻ: "Tỉ lệ thành công của kỹ thuật này khá cao. Ở phụ nữ dưới 30 tuổi, tỉ lệ thành công chiếm đến trên 90%; ở phụ nữ dưới 40 tuổi, tỉ lệ thành công là 75%; và ở phụ nữ trên 40 tuổi, tỉ lệ thành công cũng chiếm đến 45%. Thời gian có thai trở lại sau vi phẫu trung bình 4 đến 10 tháng, cá biệt có trường hợp có thai ngay tháng đầu sau mổ. Thai nhi được hình thành từ kỹ thuật vi phẫu ít gặp bất thường, trừ khi người mẹ ốm đau".
Khi mà thực tế vô sinh thứ phát lên đến gần 70%; ở vô sinh nguyên phát tỉ lệ này là 28%, thì kỹ thuật vi phẫu vòi tử cung sáng chế bởi GS. Vy mang đến cơ hội làm mẹ cho nhiều chị em với chi phí thấp.
Nghỉ hưu nhưng vẫn canh cánh, mang áp lực đè nặng trên vai
Sau khi hoàn thành công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, lẽ ra GS. Nguyễn Đức Vy sẽ dành những ngày tháng còn lại để nghỉ ngơi sau thời gian dài cống hiến. Nhưng trong lòng ông vẫn đau đáu nỗi niềm dành cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn kém may mắn.
Ông cẩn thận lưu giữ từng bức thư cảm ơn do bệnh nhân gửi về
Ông tâm sự: "Mỗi lần nhìn ánh mắt trông ngóng, mong mỏi như đặt hết niềm tin, giao phó hết trách nhiệm và niềm hy vọng vào bác sĩ của những cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn khi tới thăm khám, tôi tự nhủ phải làm sao tốt nhất để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất giúp họ thỏa mãn khao khát tiếng cười trẻ thơ. Chưa làm được là lòng tôi còn canh cánh, là vẫn còn áp lực đè nặng lên vai".
Chính vì lý do này mà GS. Vy lại tiếp tục nghiên cứu sản phẩm hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn dành cho cả nam và nữ, kế thừa triết lý kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyển, giúp phát triển noãn, miễn dịch, nội tiết ở nữ giới và đặc biệt tăng cường sức khỏe tinh trùng ở nam giới. Một trong số những nghiên cứu về sản phẩm đã được báo cáo cấp Bộ, nghiệm thu tại Bệnh viện Phụ sản TW và được sử dụng thường quy trong hỗ trợ điều trị vô sinh hiếm muộn.