Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) thủy sản cả nước 8 tháng đầu năm đạt hơn 4,2 tỉ USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. XK 4 sản phẩm chủ lực đều giảm từ 6,5%-29%, trong đó XK tôm giảm mạnh nhất 29%. Được biết tôm chiếm 43% giá trị XK thủy sản đạt trên 1,8 tỉ USD, so với cùng kỳ năm ngoái là 2,6 tỉ USD (chiếm 50% giá trị XK thủy sản). XK cá tra được 1 tỉ USD (giảm 9%), XK cá ngừ 306 triệu USD (giảm 7%), XK mực, bạch tuộc giảm 11% còn 273 triệu USD.
Các thị trường chủ lực đều giảm
Các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Nhật Bản đều giảm mạnh, lần lượt là 31%, 17% và 11%. XK sang thị trường Mỹ giảm chủ yếu là mặt hàng tôm giảm 51% do giá tôm giảm và do cạnh tranh khó khăn về nguồn cung và giá với tôm Ấn Độ, Indonesia. XK các mặt hàng chủ lực sang EU đều giảm mạnh: tôm, cá tra đều giảm 17%; cá ngừ giảm 23% và mực, bạch tuộc giảm 29% do kinh tế suy giảm, nhu cầu tiêu thụ giảm, đồng euro mất giá so với USD. XK tôm sang thị trường Nhật Bản giảm 18%, cá ngừ giảm 24%, mực và bạch tuộc giảm gần 8%. XK sang Trung Quốc (thị trường đứng thứ 4) cũng giảm 9% do XK tôm giảm 24%.
Theo nhận định từ Hiệp hội Thủy sản và VASEP, những tháng đầu năm, XK thủy sản giảm là do thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra lần thứ 10 (POR10) đã ảnh hưởng đến XK cá tra. Theo kết quả chính thức do DOC (Mỹ) công bố, thuế CBPG trong đợt rà soát lần thứ 10 mà nước này áp với cá tra philê đông lạnh của Việt Nam tăng gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ.
Nguyên nhân khác là do USD tăng giá mạnh, euro và yen Nhật mất giá làm giảm nhu cầu nhập khẩu tại thị trường EU và Nhật Bản, tăng áp lực cạnh tranh tại thị trường Mỹ, khiến doanh nghiệp XK bị ép giảm giá ở các thị trường chính. Giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam cao hơn các nước XK khác nên khó cạnh tranh về nguồn cung và giá bán tại thị trường Mỹ. Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ khiến doanh nghiệp XK bị ép giá và bị thiệt về tỉ giá.
Mặt hàng tôm xuất khẩu giảm mạnh nhất
Giải pháp tạm thời
Để cải thiện tình hình xuất khẩu cho những tháng cuối năm, VASEP đưa ra một số giải pháp tháo gỡ trước mắt. Đối với áp lực giảm giá mạnh của đồng euro, đồng yen so với USD, cũng như đồng nhân dân tệ nên xem xét điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn cho các doanh nghiệp sản xuất, XK ngành nông thủy sản xuống dưới mức trần 7% như hiện nay. Ngoài ra cần tăng hạn mức tín dụng, tăng thời gian cho vay.
Giá thành sản xuất các mặt hàng thủy sản trong nước ngày càng cao, cao hơn các nước khác nên cần có chương trình, giải pháp đồng bộ phối hợp cùng các bên liên quan giúp giảm giá thành sản xuất. Trong đó chú trọng đến tình hình sản xuất giống để có biện pháp nâng cao sản xuất, lưu thông con giống để người nuôi mua được giống tốt với giá hợp lý, ít trung gian. Kiểm soát hệ thống phân phối thuốc và các loại chế phẩm, thức ăn nuôi trồng thủy sản...
Cần cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đơn giản quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian kiểm dịch, thời gian thẩm tra giấy chứng nhận thủy sản khai thác. Tạo điều kiện thuận lợi cho XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, linh hoạt và điều chỉnh phù hợp về chính sách thuế, thủ tục hải quan, tỉ giá hối đoái. Vấn đề hội nhập cần bảo đảm tối đa hóa các thuận lợi và sự phù hợp đối với các sản phẩm thủy sản.
Bài và ảnh: LONG GIANG