Nếu như thành tích tăng trưởng GDI quý I/2015 đem đến lạc quan về sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển kinh tế mới thì tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân vừa qua, được tổ chức tại TP Vinh, các chuyên gia lại đưa ra cái nhìn thận trọng, khi cho rằng nền kinh tế chỉ vừa mới thoát đáy.
Cần biết thực trạng môi trường kinh doanh chưa tốt
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đánh giá sự phục hồi kinh tế năm 2014 chỉ mang ý nghĩa “tăng lực”, chưa thật sự thay đổi cơ cấu, trình độ của nền kinh tế. Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ dịch chuyển chưa rõ ràng, còn nhiều khó khăn. Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam, kết quả tăng trưởng GDP quý I tuy tăng khá nhưng nhiều biện pháp triển khai chậm, thực hiện chưa kịp thời. Riêng việc Quốc hội ban hành một số luật kinh tế gây phấn chấn cho khu vực DN nhưng việc triển khai lại thất vọng bởi luật có rồi nhưng còn thiếu nghị định. “Đặc biệt, khu vực DN còn rất khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà. Bây giờ đi vào cơ quan công quyền, dịch vụ, người dân lúc nào cũng lo đến việc “bôi trơn”, làm giảm lòng tin ghê gớm” - TS Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.
Cải cách hành chính không những tốt cho doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích to lớn cho đất nước (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Tấn Thạnh
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam vẫn đứng trong nhóm 4 nước cuối bảng gồm có Lào, Campuchia và Myanmar là một thực trạng đáng buồn. Và Việt Nam vẫn tiếp tục phải chìa tay xin thêm hỗ trợ mặc dù là đất nước có rất nhiều tiềm năng. Đây là điều rất vô lý. Bà Phạm Chi Lan thẳng thắn nêu quan điểm: “Không có cơ sở để khẳng định khi tham gia sân chơi với các đối tác khác như Mỹ, EU mà Việt Nam có thể vượt lên để ngang bằng họ”. Theo bà Lan, Việt Nam cần biết thực trạng môi trường kinh doanh chưa tốt của mình để có quyết tâm cao hơn, nhanh chóng cải thiện để phát triển.
Tạo ra một nguyên lý ngược
Nỗ lực cải cách hành chính nhằm giảm chi phí cho DN, cho xã hội, lấy lại động lực tăng trưởng là những vấn đề được nhiều chuyên gia “mổ xẻ” trong Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân này. TS Trần Du Lịch cho rằng Việt Nam phải mất gần 1/4 thế kỷ để xác lập tư duy về một vấn đề mang tính đương nhiên phải có trong cơ chế thị trường. Đó là quyền tự do kinh doanh của công dân, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Còn bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: Trong nỗ lực cải cách hành chính hiện nay, lẽ ra phải xác định đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của nhà nước nhưng lại có bóng dáng của sự ban ơn. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ giúp bộ máy hành chính “chạy” tốt hơn, hiệu quả hơn chứ không phải chỉ tốt cho DN.
Viện trưởng Trần Đình Thiên thắc mắc: “Suốt thời gian của 4 năm trước, Việt Nam chỉ giảm được 70 giờ nộp thuế nhưng riêng năm 2014 đột biến giảm được 300 giờ, không hiểu có phép mầu nào kỳ diệu như vậy? Đây dường như là bí ẩn của bộ máy, cần phải mổ xẻ xem dựa trên nguyên lý nào, dựa vào cái gì mà đã làm được điều như vậy. Việc này cần phải gắn với đúng người, đúng việc, chịu trách nhiệm cá nhân”. Ông Trần Đình Thiên cho rằng đây là vấn đề đụng tới toàn bộ bộ máy công quyền. Nhiều sở, ban ngành chồng chéo, nhiều cơ quan làm nhiệm vụ y như nhau, tạo ra một nguyên lý ngược là càng làm việc kém hiệu quả, công chức trong các cơ quan này thu nhập càng cao, càng làm cho DN bị dồn vào chân tường thì bộ máy sống càng khỏe. Đó là một bộ máy chạy ngược với nguyên lý vận hành thị trường. Nếu không cải thiện bộ máy công quyền hướng đến hiệu quả tối ưu thì trong thời gian tới việc tháo gỡ khó khăn vẫn… khó khăn.
Hà Linh