Việt Nam có 16 triệu người hút thuốc lá. Ước tính số tiền “cháy” theo thuốc của người Việt Nam lên tới 22.000 tỉ đồng mỗi năm, chưa kể 23.000 tỉ đồng là chi phí điều trị 5 bệnh phổ biến liên quan đến thuốc lá.
Chết vì “vui miệng”
Khởi đầu chỉ là những triệu chứng đơn giản như chảy máu cam, nghẹt mũi, ù tai nhưng ông M.T.Q (64 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Bình) không khỏi bất ngờ trước kết quả chẩn đoán mình bị ung thư vòm họng. Theo ông Q., vài năm trước, ông hay bị chảy máu cam, cứ nghĩ do “nóng trong người” nên ông cũng lơ luôn. Gần đây, tình trạng này xuất hiện liên tục kèm theo biểu hiện nghẹt mũi, đau đầu, lại nổi vài hạch cứng ở cổ. Thấy bất thường, ông đến bệnh viện khám và được chuyển thẳng lên Bệnh viện K trung ương vì nghi ngờ ung thư vòm họng. Tại đây, sau khi được lấy bệnh phẩm để xét nghiệm, ông Q. được chỉ định điều trị tia xạ và hóa chất để tiêu diệt khối u.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K trung ương, bệnh của ông Q. được phát hiện khi chưa có di căn, do đó các phương pháp điều trị có thể đem lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn, tốn kém. Bác sĩ Bảo cho biết ung thư vòm họng là một loại khối u ác tính thường gặp, diễn biến của bệnh tương đối nhanh so với các loại ung thư khác. Đây là căn bệnh phổ biến do những tác nhân gây nên bệnh thường xuyên cận kề bên cạnh mà chúng ta không hề quan tâm. Trong đó, một số thói quen xấu làm ảnh hưởng tới vòm họng gây ung thư thường là do hút thuốc lá, uống rượu bia và tiếp xúc với môi trường độc hại... “Bệnh nhân Q. có tiền sử uống rượu và “bầu bạn” với thuốc lá, thuốc lào gần 30 năm. Có thể đây là tác nhân chính khiến ông bị ung thư vòm họng” - bác sĩ Bảo nhận định.
Nguy cơ ung thư lưỡi rất cao
“Trước đây, ung thư lưỡi hiếm gặp ở người bệnh dưới 40 tuổi thì những năm gần đây đã xuất hiện nhiều hơn, thậm chí có những thanh niên mới ngoài 20 tuổi. Nhiều trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ gần hết lưỡi mới giữ được tính mạng. Cũng có những bệnh nhân ung thư lưỡi giai đoạn cuối rất thương tâm: miệng có bướu to nên ăn, nói không được, đau đớn kinh khủng, dù dồn hết tiền bạc đổ vào chữa bệnh những vẫn không qua khỏi” - bác sĩ Bảo nói. Theo bác sĩ Bảo, nguyên nhân hàng đầu gây ung thư lưỡi là hút thuốc lá. Một người hút thuốc lá từ 20-30 điếu/ngày nguy cơ ung thư lưỡi gấp 20 lần so với người không hút. Một người uống rượu thường xuyên, một ngày tiêu thụ trên 100 ml rượu, nguy cơ bị ung thư lưỡi tăng gấp 5 lần so với người không uống rượu. Còn những người vừa hút thuốc lá vừa uống rượu thì nguy cơ bị ung thư lưỡi tăng lên 50 lần” - bác sĩ Bảo cảnh báo.
Nhiều bệnh nhân thường chỉ nghĩ đến việc từ bỏ thuốc lá khi đã mang trong mình những căn bệnh nguy hiểm
Một điếu thuốc chứa 7.000 chất độc
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Thuốc lá được coi là “sát thủ” thầm lặng bởi mỗi điếu thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó 70 chất có khả năng gây ung thư.
Một nghiên cứu do Tổ chức Health Bridge của Canada tại Việt Nam và ĐH Y tế Công cộng Hà Nội thực hiện cho thấy riêng năm 2012, người nghiện thuốc lá đã chi 22.000 tỉ đồng để “phì phèo” thuốc lá và tốn thêm 23.000 tỉ đồng nữa để chữa 5 nhóm bệnh liên quan tới thuốc lá gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), nhồi máu cơ tim, đột quỵ cộng với thiệt hại do nghỉ việc, mất ngày công lao động. Theo bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức Health Bridge của Canada, như cái vòng luẩn quẩn, người càng nghèo càng hút thuốc lá nhiều. Họ thường mua thuốc lá giá rẻ phù hợp túi tiền nhưng lại độc hại hơn. Vì khó khăn kinh tế, họ thường trì hoãn đi khám và hậu quả thường bi đát!
Nghiên cứu gánh nặng kinh tế của nhóm bệnh liên quan đến hút thuốc lá tại Việt Nam, Tổ chức HealthBridge cho thấy chi phí y tế trực tiếp trung bình cho 1 đợt điều trị của ung thư phổi là hơn 54 triệu đồng; bệnh tim thiếu máu cục bộ là hơn 50 triệu đồng; đột quỵ mất gần 10 triệu đồng; COPD mất gần 7 triệu đồng; bệnh ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên là hơn 2,5 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí điều trị ngoại trú... “Với các chi phí này, kể cả khi đã được bảo hiểm y tế chi trả một phần thì số tiền túi mà người bệnh phải bỏ ra là rất lớn” - một thành viên của Tổ chức HealthBridge nói.
Bài và ảnh: Ngọc Dung