Tuần qua, tại TP HCM đã diễn ra buổi tọa đàm: Cà phê bẩn - thực trạng và giải pháp với sự góp mặt của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cà phê. Một lần nữa, vấn nạn cà phê bẩn, độc, trộn lại “nóng” lên.
Đừng “treo đầu dê bán thịt chó”
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm ĐH Bách khoa Hà Nội, đưa ra nhiều dẫn chứng về việc cà phê trộn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đã xảy ra ở nhiều nước. Ông Thịnh khẳng định cần phải minh bạch trong việc ghi các thành phần trên sản phẩm. “Đừng kinh doanh kiểu treo đầu dê bán thịt chó, trộn thì nói trộn chứ không được gian lận thương mại như thế” - ông Thịnh nói.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết: “Có nhiều loại cà phê độn sản xuất tại Kon Tum nhưng lại ghi ngoài nhãn mác là ở TP HCM, không công bố thành phần cụ thể. Tôi hỏi tại sao thì người ta trả lời công bố thành phần sẽ không bán được”.
Đại diện Cục QLTT (Bộ Công Thương) khẳng định việc sử dụng hóa chất, các loại phụ gia trái phép để pha chế cà phê thực chất là hành vi sản xuất cà phê giả, kém chất lượng là hành vi kinh doanh bất chấp quyền lợi người tiêu dùng nhằm mục đích giảm giá thành nhiều nhất và thu được lợi nhuận cao nhất.
Công bố sợ lộ bí quyết!
Tham dự buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê cho rằng tùy thuộc vào “gu” của người sử dụng mà cho ra đời những dòng cà phê khác nhau. Khi có ý kiến nêu vấn đề tại sao các hãng cà phê lớn thừa nhận có đậu nành, bắp và hương liệu trong sản phẩm của mình nhưng lại không ghi rõ ràng trên bao bì về tỉ lệ chính xác của các thành phần này, bà Lê Thị Hoàng Yến - Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị của Nestlé - cho biết: “Chúng tôi vẫn công bố thành phần trong những mẫu kiểm định nộp lên các cơ quan quản lý, còn trên bao bì thì không làm như vậy vì sẽ tiết lộ bí quyết, công thức sản xuất riêng của doanh nghiệp”. Cũng theo bà Yến, trên bao bì chỉ ghi những thành phần chính, còn các thành phần phụ “không có ý nghĩa với người tiêu dùng” thì không cần thiết ghi vào.
Tương tự, trên gói cà phê G7 - Cà phê thứ thiệt chỉ ghi chung chung các thành phần như: đường, hỗn hợp cà phê hòa tan, muối, chất điều chỉnh độ chua, hương cà phê tổng hợp, chất tạo ngọt tổng hợp. Ngoài cà phê hòa tan được ghi là chiếm 15%, các thành phần khác đều không có tỉ lệ cụ thể. Đặc biệt, có một câu nhỏ ghi: “Thông tin cảnh báo an toàn: sản phẩm có chứa đậu nành”. Tuy nhiên, đậu nành không hề được nhắc đến trong mục thành phần.
Rõ ràng việc người tiêu dùng muốn biết mình đang uống gì, tỉ lệ ra sao, được sản xuất thế nào là một yêu cầu chính đáng. Trong tình hình hiện nay khi nạn cà phê giả (không hề có hàm lượng caffeine), cà phê bẩn (được sản xuất trong những cơ sở ẩm thấp, thiếu vệ sinh), cà phê độc (hóa chất không rõ nguồn) thì để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng chỉ còn biết “trông cậy” vào những hãng cà phê lớn, với niềm tin chất lượng và uy tín. Vì vậy, việc minh bạch thành phần trên các sản phẩm vẫn là việc nên làm để giúp người tiêu dùng có được những thông tin chính xác, đồng thời hướng đến xây dựng một môi trường sản xuất và kinh doanh cà phê trung thực, uy tín.
“Việt Nam là nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới nhưng người Việt chưa được uống một ly cà phê đúng nghĩa cà phê” - chia sẻ của Tổng Giám đốc Vinacafé Nguyễn Tân Kỷ tại tọa đàm có lẽ cũng là trăn trở của những người yêu cà phê Việt.