Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP HCM vừa hướng dẫn nghiệp vụ thu bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.
5 bước thu BHYT
Cụ thể, bước 1: Người tham gia BHYT hộ gia đình kê khai đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân vào tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS) và phụ lục thành viên hộ gia đình hoặc danh sách có đóng dấu của tổ chức tôn giáo, cơ sở bảo trợ xã hội nộp cho tổ chức dịch vụ để đăng ký tham gia và xác định giảm trừ mức đóng BHYT (nếu có).
Bước 2: Tổ chức dịch vụ kiểm tra, đối chiếu thông tin kê khai và phối hợp với người tham gia khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định giảm trừ mức đóng và thu tiền đóng BHYT theo quy định. Ghi biên lai thu tiền BHYT (Mẫu C45-HD) hoặc cấp biên lai điện tử theo quy định và hẹn trả kết quả.
Bước 3: Trong thời hạn 1 ngày, tổ chức dịch vụ căn cứ vào mẫu TK1-TS, mẫu C45-HD lập danh sách người chỉ tham gia BHYT (mẫu D03-TS) kèm file hình ảnh thông tin người tham gia có giảm phí gửi cho cơ quan BHXH theo phiếu giao nhận hồ sơ số 603 qua dịch vụ bưu chính hoặc giao dịch điện tử, đồng thời chuyển toàn bộ số tiền đã thu theo danh sách vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH đang quản lý.
Trường hợp tổ chức dịch vụ làm chậm trễ hồ sơ dẫn đến việc chậm cấp thẻ BHYT, ảnh hưởng quyền lợi người tham gia thì tổ chức dịch vụ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi hoàn chi phí cho người tham gia.
Bước 4: Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức dịch vụ nộp hồ sơ và tiền đóng BHYT của người tham gia. Cơ quan BHXH sẽ kiểm tra hồ sơ các trường hợp giảm trừ mức đóng, biên lai thu tiền, nếu thiếu tiền thì lập phiếu yêu cầu (mẫu số 2) yêu cầu tổ chức dịch vụ nộp bổ sung; trường hợp nhận đủ tiền thì cấp thẻ BHYT, xuất danh sách cấp thẻ BHYT (mẫu D10a-TS). Trường hợp không in thẻ "Khóa in". Thực hiện in thẻ giấy đối với trường hợp không sử dụng thiết bị di động thông minh, CCCD chưa gắn chip hoặc đã tuyên truyền về việc không in thẻ giấy nhưng người dân vẫn yêu cầu. Sau khi xử lý xong hồ sơ, cơ quan BHXH chuyển trả cho tổ chức dịch vụ gồm: thẻ BHYT (trong trường hợp được in thẻ), mẫu D10a-TS, mẫu số 2 đối với các trường hợp không cấp được thẻ lỗi do sai bệnh viện, đang có thẻ quyền lợi cao hơn…
Bước 5: Tổ chức dịch vụ nhận từ cơ quan BHXH: thẻ BHYT (trong trường hợp được in thẻ), mẫu D10a-TS để thông báo cho người tham gia biết, tiếp tục sử dụng thẻ cũ hoặc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc sử dụng CCCD có gắn chip để đi khám chữa bệnh và mẫu số 2 để hoàn thiện lại hồ sơ đề nghị cấp thẻ cho người tham gia.
Mức đóng, phương thức đóng BHYT hộ gia đình
Mức đóng BHYT hằng tháng: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% của người thứ nhất.
Phương thức đóng: Đóng BHYT một lần cho 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng tại tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT. Khi nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia không phải đóng bổ sung hoặc không hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT.
Thời hạn đóng tiền và cấp thẻ BHYT: Đối với người tham gia BHYT lần đầu hoặc gián đoạn quá 3 tháng, nay tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình thì người tham gia đóng tiền cho tổ chức dịch thu BHXH, BHYT vào các ngày làm việc trong tháng và thẻ có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền.
Đối với người đã tham gia BHYT từ trước hoặc gián đoạn không quá 3 tháng (kể cả đối tượng đã tham gia BHYT bắt buộc trước đó), nay tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình (gọi là gia hạn thẻ BHYT) thì thẻ có giá trị sử dụng từ ngày tiếp theo của hạn thẻ cũ lần trước hoặc từ ngày đóng tiền.
Đối với trường hợp gia hạn thẻ BHYT hoặc chuyển tham gia từ đối tượng bắt buộc sang tham gia BHYT hộ gia đình thì người tham gia phải có trách nhiệm đóng tiền cho tổ chức dịch vụ trước 10 ngày thẻ hết giá trị sử dụng để tổ chức dịch vụ lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH gia hạn thẻ theo quy định.