Không chỉ xuất khẩu mỗi năm đều tăng mà tiêu thụ đồ gỗ trong nước cũng giữ được đà tăng trưởng ổn định. Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, trong 5 năm qua, mức tiêu thụ đồ gỗ nội địa đạt 2 tỉ USD/năm. Được biết trong những năm gần đây, đồ gỗ nhập khẩu chính ngạch không còn cao như trước mà giảm còn khoảng 57 triệu USD/năm. Giới chuyên môn nhận định năm nay thị trường bất động sản khởi sắc sẽ kéo theo thị trường tiêu thụ đồ gỗ nội địa tăng cao.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong năm 2015 đạt 6,9 tỉ USD, tăng 10,74% so với năm trước. Riêng sản phẩm gỗ đạt 4,8 tỉ USD, tăng 7,8% so năm 2014. Phần lớn các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đều tăng trưởng, trong đó thị trường Mỹ đạt 2,64 tỉ USD (tăng 18,11%), Nhật Bản đạt 1,04 tỉ USD (tăng 9,51%), thị trường EU đạt 764 triệu USD (tăng 3,91%).
Sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam được nhiều khách hàng nước ngoài ưa chuộng
Trong năm 2015, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng, sụt giảm mạnh do nhu cầu yếu trên thị trường thế giới nhưng riêng ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng. Với đà tăng trưởng như hiện tại, trong năm 2016 này, nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất trên thế giới tiếp tục tăng. Được biết trong năm 2015, tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên thế giới đạt giá trị khoảng 467,7 tỉ USD, tăng 2,8% so với năm 2014. Giới chuyên môn nhận định nhu cầu đồ gỗ nội thất năm 2016 trên thế giới được dự báo tăng gần 3%.
Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm nay được mở rộng còn do thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tăng, cũng như nhờ tác động mạnh từ các hiệp định thương mại tự do trên thế giới đã được ký kết và đang trong quá trình triển khai thực hiện. Với những yếu tố cung cầu thuận lợi cho ngành gỗ năm 2016, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt 7,6 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm 2015.
Các công ty xuất khẩu gỗ cho biết nhu cầu tiêu thụ gỗ nội thất trên thế giới là rất lớn, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam còn chiếm tỉ trọng quá thấp so với nhu cầu tiêu thụ. Đây là cơ hội lớn để cho các doanh nghiệp gỗ tăng mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Được biết, sự tăng trưởng mạnh thị trường bất động sản tại những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ là động lực lớn để ngành gỗ của Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết trước đây, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cấp thấp nên giá trị xuất khẩu chưa cao. Sở dĩ có tình trạng này là do nước ngoài họ đặt hàng với thiết kế sản phẩm có sẵn từ khách hàng. Tuy nhiên khoảng 2 năm qua, khách hàng nước ngoài đã tăng lượng hợp đồng đơn hàng gỗ có chất lượng cao lên khá nhiều.
Một nguyên nhân khác là trước đây phần khách hàng nước ngoài chỉ biết và tập trung đặt hàng tại thị trường Trung Quốc. Nay họ biết được thị trường Việt Nam và chuyển sang đặt hàng ngày càng nhiều. Việt Nam còn được biết đến với thế mạnh sản xuất, chế biến gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Đây là điều kiện quan trọng để khách hàng nước ngoài chọn đối tác để giao dịch ký kết hợp đồng.
Trước đây, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam làm hàng gia công cho nước ngoài. Khách hàng cung cấp mẫu mã với thiết kế có sẵn cho doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với mức giá thấp. Tuy nhiên, gần 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tạo ra nhiều mẫu thiết kế sản phẩm gỗ chất lượng cao để đàm phán với khách hàng với giá cao. |
Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI