Cuối tuần qua, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, TP Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức lễ công bố chương trình "Hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương" năm 2019. Phát biểu tại lễ công bố, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, chương trình hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương năm nay tập trung nhiều hoạt động hướng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cộng đồng người tiêu dùng với 2 thông điệp: "Tôi hành động vì an toàn thực phẩm" và "Xây dựng cộng đồng hành động vì an toàn thực phẩm".
Lễ bấm nút công bố Chương trình "Hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương" năm 2019
Đây là năm thứ 2 liên tiếp chương trình "Hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương" được tổ chức. Chương trình đã thu hút sự hưởng ứng của 150 ngàn đoàn viên Công đoàn Công Thương và hàng ngàn tình nguyện viên của Chương trình đã dán hàng triệu sticker, poster "Tôi hành động vì an toàn thực phẩm" tại các cửa hàng, siêu thị, các chợ truyền thống, hộ gia đình nhằm mục tiêu thu hút nhiều triệu người chủ động tham gia và hưởng ứng; phối hợp cùng Công đoàn Công Thương tổ chức hội thi nấu ăn cấp ngành với chủ đề "Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, cân bằng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm".
Đặc biệt, các tỉnh thành phố trên cả nước đã hưởng ứng chương trình với nhiều hoạt động phong phú. Như in tờ rơi, treo phông phướn và huy động các phương tiện báo đài, đặc biệt là hệ thống loa phát thanh phường, xã, thị trấn để tuyên truyền về chương trình và các kiến thức về an toàn thực phẩm.
Điển hình là các tỉnh thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Cà Mau, Kiên Giang, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai, Sóc Trăng, Lạng Sơn, Lào Cai, Đắc Nông... Riêng tỉnh Cà Mau đã tổ chức gần 127 buổi tuyên truyền tới hơn 144 ngàn người về các nội dung an toàn thực phẩm và chương trình.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tham quan các gian hàng an toàn thực phẩm
Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết Bộ Công Thương là một trong ba cơ quan được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu; tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, đưa hàng Việt ra nước ngoài, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia, khuyến công, khoa học công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối. Song song với đó là phối hợp với các bộ ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong thời gian tới, Bộ Công tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm nâng cao ý thức cộng đồng sẵn sàng hành động vì an toàn thực phẩm; thuyết phục nhân dân cam kết không tiếp tay cho hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó phối hợp với các bộ ngành liên quan, xây dựng mạng quản lý trực tuyến về an toàn thực phẩm cung cấp các thông tin đầy đủ, nhanh chóng nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm an toàn.