OCB chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu trong năm 2020
Đây là khẳng định của ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021, tổ chức ở TP HCM ngày 28-4.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt hơn 4.400 tỉ đồng, tăng 37% so với năm trước. Các chỉ số tài chính cũng ở mức cao hơn trung bình ngành như tỉ suất lợi nhuận bình quân trên tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt đạt 2,61% và 24,42%; thu nhập trên một cổ phần (EPS) đạt 3.750 đồng/cổ phần…
Trong năm 2020, OCB là ngân hàng tư nhân giữ vị trí số 2 về lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân; số 2 về lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân; nhóm 10 các ngân hàng cổ phần về lợi nhuận trước thuế và nhóm 4 ngân hàng hiệu quả nhất Việt Nam do Forbes bình chọn…
Dù vậy, giá cổ phiếu của OCB sau khi chính thức lên sàn HoSE lại không tăng mạnh như kỳ vọng và thị giá lại thấp so với các ngân hàng khác. Ngày 28-4, giá cổ phiếu OCB đóng cửa phiên giao dịch ở mức 23.350 đồng/cổ phiếu.
Tại đại hội cổ đông, có cổ đông hỏi tại sao OCB có tỉ suất sinh lời thuộc nhóm đầu ngành nhưng định giá cổ phiếu rất thấp so với các ngân hàng khác? Định giá cổ phiếu OCB theo P/E (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần) là 6,8 còn P/B (hệ số giá trên giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu) là 1,4. Trong khi đó, P/E và P/B bình quân của ngành ngân hàng là 13,4 và 2,1, theo YSRadar.
Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn cho hay, ban lãnh đạo chỉ có thể nỗ lực làm tốt nhiệm vụ trong hoạt động kinh doanh, còn giá cổ phiếu do thị trường quyết định. Dù vậy, ông Tuấn cũng nhìn nhận giá cổ phiếu của OCB đang bị định giá thấp hơn so với mặt bằng chung trên thị trường.
"Các ngân hàng tư nhân cùng quy mô với OCB có P/E bình quân 10-11 lần còn P/B trung bình khoảng 2 lần. Giá cổ phiếu ngân hàng đang bị định thấp hơn mặt bằng chung từ 25-30%, nhưng về dài hạn, thị giá cũng phải thể hiện bản chất hoạt động của ngân hàng. Ban lãnh đạo không có chủ trương can thiệp, thay đổi giá mà để thị trường quyết định" - ông Tuấn khẳng định.
Năm 2021, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 5.500 tỉ đồng, tăng 25% so với năm trước; mục tiêu chia cổ tức tiếp tục ở mức 20-25%. Để duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong nhóm dẫn đầu, OCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch đề xuất của ngân hàng này.
Đại hội cổ đông cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 14.449 tỉ đồng, tương đương tăng 32%. Việc tăng vốn dự kiến được thực hiện qua 2 hình thức: phát hành gần 274 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 25%; bán ra khoảng 5 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP (phát hành cổ phiếu cho người lao động ưu tiên) và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước…