Thách thức với các doanh nghiệp (DN) nội địa sẽ càng lớn, nguy cơ mất thêm thị phần trên sân nhà ngày càng hiện hữu khi Việt Nam hội nhập sâu hơn bằng các hiệp định thương mại tự do. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, DN tại Diễn đàn logistics 2015, vừa được tổ chức tại TP HCM.
Èo uột, khó cạnh tranh
Theo các chuyên gia, thị trường dịch vụ logistics Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể, nhờ tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu và thị trường bán lẻ phát triển mạnh. Ngành dịch vụ logistics có mức tăng trưởng mỗi năm 20%-25%. Có điều, các công ty Việt Nam mới chỉ hoạt động trong phạm vi nội địa hoặc vài nước lân cận như Lào, Campuchia, chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận một vài công đoạn cho DN nước ngoài.
Theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, chỉ có khoảng 25 công ty đa quốc gia nhưng đang chiếm gần 70%-80% thị phần cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam, cho thấy rào cản để DN nội địa phát triển và cạnh tranh được với nước ngoài là rất lớn. Hoạt động logistics đang đóng góp khoảng 29% GDP với gần 35 tỉ USD, miếng bánh này rất lớn nhưng lại đang rơi vào tay DN nước ngoài. Giờ DN trong nước phải làm sao để giữ miếng bánh của mình?
Thị trường logistics đang nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Thái Phương
Hiện các chủ hàng thường có xu hướng thuê ngoài từ rất nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Công ty Việt Nam có thể đảm nhận vai trò đại lý thiết lập ở các quốc gia khác nhưng quan hệ này thường khá lỏng lẻo và không đồng nhất nên khó cạnh tranh với nước ngoài. Hiện DN trong nước mới chỉ dừng lại làm vệ tinh cho công ty nước ngoài hoặc đảm nhận dịch vụ đơn lẻ trong chuỗi, như thủ tục hải quan, cho thuê kho bãi, vận tải…
Cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, biến khu vực hơn 600 triệu dân thành một thị trường thống nhất về tiêu thụ, sản xuất, lao động luân chuyển tự do… sẽ tạo áp lực lớn hơn cho DN Việt Nam. Khi đó, thị trường logistics sẽ chính thức được mở cửa, DN nước ngoài tự do vào Việt Nam và những bảo hộ với DN nội địa cũng không còn nhiều nên nguy cơ mất trắng thị trường nội địa là rất lớn.
Tăng đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối
DN Việt có giải pháp gì để gia nhập sân chơi chung mà không bị lép vế, mất thị phần? Theo ông Đỗ Xuân Quang, các DN xuất khẩu phần lớn là gia công, bán hàng theo giá FOB (giao hàng tại cảng), người mua là DN nhập khẩu nước ngoài sẽ chỉ định thuê tàu vận chuyển. Còn nếu nhập khẩu nguyên phụ liệu thì DN Việt lại chọn giá CIF (người bán là DN nước ngoài sẽ chịu mọi chi phí vận chuyển hàng đến cảng của người mua) nên rất khó để DN logistics trong nước tham gia và giữ được thị phần.
Với AEC, thách thức sẽ càng lớn hơn nhưng không phải DN trong nước không có cơ hội. Theo các chuyên gia kinh tế, hội nhập sẽ tạo điều kiện cho DN nội địa mở rộng hệ thống phân phối bằng cách liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm về công nghệ, thay đổi tư duy quản trị chuỗi cung ứng hoàn thiện. Một góc nhìn khác, DN nội địa vẫn có lợi thế nhất định, như am hiểu thị trường, một số lĩnh vực nhà nước vẫn tiếp tục bảo hộ và nhiều khu vực DN trong nước đã làm chủ sở hữu…
“Đến giờ, Chính phủ chưa cho hẳn nước ngoài sở hữu về đất đai nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng ngành logistics DN trong nước vẫn có lợi thế, cảng biển nước ngoài cũng chỉ được sở hữu tối đa 49%. DN nội địa lúc này cần tập trung đầu tư vào vốn, con người và công nghệ. Liên doanh, liên kết với nước ngoài để có cơ sở hạ tầng tốt hơn và cần xây dựng mạng lưới phân phối vươn ra nước ngoài là những bước đi cần thiết” - ông Quang nhìn nhận.
SONG HÀ