Anh Nguyễn Chí Dũng (SN 1971, Long Biên, Hà Nội) vào nghề hướng dẫn viên du lịch từ năm 1996. Trong quãng thời gian 21 năm đó, anh chủ yếu làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài.
Anh tâm sự: “Hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng, kiến thức cũng như kinh nghiệm chuyên môn, đặc biệt là liên tục phải trau dồi khả năng ngoại ngữ”.
So với hướng dẫn cho khách du lịch nội địa thì hướng dẫn viên cho khách Tây được xem là hàng “sang chảnh”. Người hướng dẫn viên sẽ có thu nhập cao hơn, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè nước ngoài và thái độ khách Tây ứng xử văn minh hơn… ”.
Anh Dũng trong một lần dẫn đoàn khách du lịch nước ngoài (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Theo anh Dũng, dẫn tour cho khách nước ngoài, ngoài khoản tiền lương đã thỏa thuận thì hướng dẫn viên còn được nhận thêm tiền tip (tiền thưởng).
Theo đó, thu nhập từ tiền thưởng không cố định, có thể thay đổi tùy theo từng khách. “Vài năm trước, có người còn kiếm tiền tỷ, mua được nhà phố cổ từ nghề này. Nhưng bây giờ do tình hình kinh tế chung nên thu nhập của hướng dẫn viên cũng ít người kiếm được như vậy”, anh Dũng tiết lộ.
Anh Dũng cho biết anh có một người đồng nghiệp sinh năm 1970, gắn bó với nghề hơn 20 năm, chuyên hướng dẫn cho khách du lịch trên khu vực phố cổ và thỉnh thoảng dẫn tour cho người Việt Nam đi du lịch Châu Âu.
Trung bình một ngày bạn anh Dũng thu nhập được 3 triệu. Tháng cao điểm, ngày nào cũng đi làm thì một tháng bạn anh Dũng kiếm được khoảng 90 triệu đồng.
Sau nhiều năm tích lũy, bạn anh mua được một căn nhà ở phố cổ dùng cho thuê mặt bằng và một chiếc ô tô sang trọng.
“Đặc thù trên khu phố cổ, người nước ngoài đến quanh năm chứ không du lịch theo mùa như khách du lịch nội địa”, anh nói.
Lý giải về khoản thu nhập lớn như vậy, anh Dũng cho biết, hướng dẫn viên cho khách nước ngoài sẽ hưởng 3 loại lương. Thứ nhất là lương hướng dẫn theo thỏa thuận, trung bình 500 nghìn đồng/ngày, thứ hai là tiền thưởng của khách và thứ ba là tiền hoa hồng khi khách đến các địa điểm mua quà tặng.
Khoản tiền hướng dẫn là cố định tuy nhiên khoản tiền thưởng và hoa hồng mua hàng phải tùy thuộc vào ứng xử, mối quan hệ của hướng dẫn viên với khách du lịch và chủ cửa hàng.
Hướng dẫn viên nào làm tốt sẽ được khách thưởng nhiều, gặp khách mua nhiều quà tặng mang về nước, số tiền thưởng cho hướng dẫn viên cũng sẽ tăng lên.
“Nếu dẫn khách Việt nam đi tour nước ngoài, nhất là Châu Âu, nhiều hướng dẫn viên mỗi chuyến đi về kiếm được cả vài chục triệu là bình thường”, anh Dũng cho hay.
Nam hướng dẫn viên kể tiếp, khách Việt Nam đi du lịch Châu Âu thường là những người giàu có. Họ thường đi du lịch cùng gia đình, bạn bè. Mỗi chuyến đi thường kéo dài nửa tháng đến một tháng.
“Những vị khách Việt Nam giàu có này thường ứng xử rất lịch thiệp, tiền thưởng hậu hĩnh, mua sắm không tiếc tay nên tất nhiên số tiền hoa hồng hướng dẫn viên cũng nhận được nhiều”, anh nói.
Bên cạnh đó, anh Dũng cũng chia sẻ thêm, dẫn tour cho khách nước ngoài cũng rất vất vả. Nỗi vất vả đầu tiên là vấn đề thời gian. Anh kể tiếp: “Người nước ngoài đến Việt Nam du lịch thường sẽ có những chuyến đi xa, dài ngày.
Điều đó đồng nghĩa với việc các hướng dẫn viên sẽ phải kề cận với họ 24/24 giờ suốt cả chuyến đi nhằm đảm bảo phục vụ khách chu đáo nhất.
Hướng dẫn viên chúng tôi vừa là người đảm bảo an toàn cho khách, lo bữa ăn giấc ngủ, có khi còn phải làm công việc của một người khuân vác đồ. Ví dụ khi di chuyển đến các khách sạn, hướng dẫn viên phải hỗ trợ lái xe vận chuyển valy, hành lý của khách vào bên trong sảnh.
Có những chuyến đi liên tục, kéo dài nửa tháng trời nên thời gian hướng dẫn viên ở nhà cùng gia đình rất hạn chế”.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất với hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài đó là cách xử lý sự cố xảy ra với khách hàng.
“Khi có sự cố, hướng dẫn viên phải vận dụng hết kinh nghiệm, khả năng ứng xử một cách khéo léo nhất để hỗ trợ khách”.
Anh Dũng chia sẻ thêm, các sự cố khi hướng dẫn du lịch cho khách nước ngoài hay gặp phải đó là đồ ăn không hợp khẩu vị, phòng không đảm bảo như thỏa thuận ban đầu, xe ô tô chậm trễ hoặc các vấn đề về sức khỏe của khách hàng…
“Làm nghề này, dù vất vả, môi trường làm việc nhiều áp lực nhưng mang lại cho tôi rất nhiều thứ như các mối quan hệ mới, thêm kinh nghiệm và vốn sống. Dẫu nhọc nhằn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ nghề”, hướng dẫn viên sinh năm 1971 trải lòng.