Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam với gần 80% thị phần. Nhưng, với việc Cơ quan Hải quan Trung Quốc vừa cấp phép cho thanh long tươi của Indonesia nhập khẩu vào thị trường này sẽ khiến cho trái thanh long Việt Nam không còn ưu thế “một mình một chợ” nữa.
Trước đây, thanh long tươi cung cấp cho thị trường Trung Quốc chủ yếu đến từ nội địa do Trung Quốc tự trồng và nnhập khẩu từ Việt Nam, nhưng từ nay có thêm nguồn cung thứ 3 là từ Indonesia.
Ảnh minh họa
Nhiều điểm mới đáng quan tâm
Theo Hải quan Trung Quốc, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu quả thanh long tươi là 523,3 nghìn tấn, với tổng kim ngạch là 381,1 triệu USD, trong đó đa số là nhập khẩu từ Việt Nam với kim ngạch và giá trị chiếm tới 99% (một lượng nhỏ nhập khẩu từ Đài Loan).
Theo các chuyên gia, do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long, nên trong vài năm gần đây diện tích trồng thanh long nội địa của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần, và trồng tập trung tại tỉnh Quảng Tây. Đây cũng là tỉnh có sản lượng thanh long cao nhất của Trung Quốc, diện tích trồng thanh long và sản lượng dự kiến đạt lần lượt 20.000 ha và 500.000 tấn trong năm 2020.
Thanh long của Trung Quốc chủ yếu là thanh long ruột đỏ và cung cấp chủ yếu tập trung trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm.
Theo Produce Report, ngoài việc nhập khẩu thanh long từ Việt Nam thì vào ngày 23/5/2020, Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã thông báo một số loại thanh long tươi từ Indonesia được phép nhập khẩu vào Trung Quốc do đáp ứng các yêu cầu vệ sinh kiểm dịch tăng cường. Các loại trái cây được phê duyệt lần này là thanh long ruột tím, thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng.
Theo thông báo, việc phân loại, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển thanh long tới Trung Quốc phải được kiểm tra bởi Cơ quan Kiểm dịch Thực phẩm Indonesia hoặc các cá nhân được tổ chức này ủy quyền.
Mặc dù thanh long không phải là loại trái cây bản địa của Indonesia, nhưng diện tích trồng thanh long tại nước này từ năm 2000 đến nay đang ngày càng tăng. Sản xuất thanh long hiện bao phủ gần như toàn bộ các vùng trên cả nước, trong đó Jember, Pasuruan, Malang, Lumajang và Banyuwangi tại East Java là các vùng sản xuất chính.
Phần lớn thanh long của Indonesia được tiêu dùng nội địa và phần còn lại được xuất khẩu. Những người trồng thanh long Indonesia có thể cung cấp cho thị trường gần như quanh năm, với thanh long ruột đỏ là loại được trồng phổ biến nhất và được người tiêu dùng nội địa ưa chuộng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, bên cạnh Indonesia thì việc Campuchia đang nỗ lực đẩy mạnh tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với một số sản phẩm nông nghiệp như: xoài, nhãn, thanh long, dừa, ớt và yến sào trong lúc nước này đang bị dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu. Đây cũng là điều đáng để các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long Việt Nam quan tâm.
Song hiện nay mới chỉ có trái chuối của Campuchia được Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu. Năm 2019, Campuchia đã xuất khẩu 157.800 tấn chuối sang Trung Quốc, chiếm 99% lượng xuất khẩu chuối của cả nước và tăng 647% so với năm 2018. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia dự báo thanh long và xoài có thể nhận được sự chấp thuận nhập khẩu của Trung Quốc sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt.
Cần chính ngạch và cạnh tranh “sòng phẳng”
Việt Nam với diện tích khoảng 49.000 hecta, được cho là đứng đầu khu vực châu Á với sản lượng hơn 1 triệu tấn trái với kim ngạch trên dưới 1 tỷ USD/năm, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu trái cây tươi của cả nước.
Thị trường nội địa hiện chỉ tiêu thụ khoảng trên dưới 15% sản lượng thanh long, còn lại khoảng 85% sản lượng được xuất khẩu và thanh long Việt Nam đã có mặt trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 81,2% sản lượng nhưng có trên 70% là xuất khẩu tiểu ngạch còn lại 10% xuất khẩu chính ngạch.
Từ năm 2019, Trung Quốc siết chặt về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và ưu tiên nhập khẩu chính ngạch, như vậy sẽ khiến thanh long Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thanh long Indonesia.
Theo nhóm chuyên gia tư vấn gồm TS. Nguyễn Bảo Thoa (Trưởng nhóm), TS. Nguyễn Hồng Minh và Th.s Nguyễn Thị Minh Thúy, xuất khẩu chính ngạch có giá trị gia tăng cao, ít gặp rủi ro trong quan hệ thương mại, nhưng do thương nhân Trung Quốc phải chịu chi phí cho nhập chính ngạch (thuế VAT, phí kiểm soát kỹ thuật khác) cao hơn so với chi phí nhập khẩu tiểu ngạch (không thuế VAT, không chịu phí kiểm soát kỹ thuật khác) nên đối tác thường chọn nhập tiểu ngạch.
Tuy nhiên, xuất khẩu tiểu ngạch có đặc điểm cơ bản là chất lượng sản phẩm không cao, giá bán thấp, quan hệ thương mại lỏng lẻo và chứa đựng nhiều rủi ro.
Để không bị lép vế trước thanh long Indonesia tại thị trường Trung Quốc theo chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Mặt hàng thanh long xuất khẩu chính ngạch sẽ được kiểm duyệt kỹ lưỡng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... bởi các cơ quan chức năng chuyên ngành và phải hoàn thành mọi thủ tục cũng như phải đóng thuế đầy đủ trước khi thông quan, như vậy sẽ được người tiêu dùng tin tưởng và có lợi thế cạnh tranh “sòng phẳng” với thanh long Indonesia tại thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, xuất khẩu chính ngạch giúp doanh nghiệp giảm rủi ro, nâng cao năng lực và vị thế, xây dựng quan hệ đối tác bền vững với khách hàng Trung Quốc và được hưởng thuế ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.