Từ TP HCM theo Quốc lộ 20 lên Đà Lạt, ngang qua thị trấn Di Linh, người ta dễ dàng nhận ra khu chợ trung tâm huyện Di Linh, một khu chợ mới vừa được xây dựng với 3 bức tượng Phúc Lộc Thọ rạng rỡ, ở ngay bên đường, trước cổng chợ trung tâm, như báo hiệu sự đổi thay thịnh vượng của vùng đất này.
Công trình trọng điểm
Chợ trung tâm huyện Di Linh tọa lạc trên khu đất rộng rãi, không gian thoáng đãng, sạch sẽ,chợ gồm hai khu: khu bán nông sản thực phẩm và khu bán quần áo giày dép, điện tử gia dụng khác. Phía trước chợ là công trình cấp 2, nhà hai tầng, thiết kế, xây dựng đẹp và hiện đại, bước vào chợ ta có cảm giác đang ở trong siêu thị chứ không phải là chợ huyện, người dân gọi khu này là chợ chính. Ngay phía sau là chợ phụ bán nông sản, xây nhà lồng khung thép các quầy hàng ốp gạch men và mặt quầy bằng inox sáng bóng.
Các bên chợ chính đều xây ngăn làm ki-ốt là quầy bán hàng có ngăn riêng, sân bê-tông chắc chắn, đường bê-tông nhựa và tường rào quanh chợ, bể nước ngầm, nhà gửi xe, khu giết mổ gia cầm riêng biệt để phòng chống dịch, hệ thống xử lý nước thải hiện đại, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước quanh chợ…, đặc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, camera an ninh 24/24…
Chợ trung tâm huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng)
Nói về việc đầu tư xây dựng chợ trung tâm huyện Di Linh, ông Trần Đình Sỹ, Chủ tịch huyện, cho biết nhu cầu xây dựng chợ trung tâm mới xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương. Từ năm 1975 tới nay, dân số huyện Di Linh tăng từ 30.000 người lên 165.000 người. Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành thương mại tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2006, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định và cho phép huyện Di Linh lập dự án kêu gọi đầu tư xây dựng chợ trung tâm huyện Di Linh trên khu đất Xí nghiệp Dâu tằm tơ Lộc Đức cũ, góp phần đột phá tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đã có nhiều nhà đầu tư tới khảo sát nhưng đều không thực hiện việc đầu tư. Năm 2007, Công ty CP Long Việt (địa chỉ 315 Trường Chinh,TP Đà Nẵng) đã xúc tiến các bước đầu tư, với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của đa số các tiểu thương đang kinh doanh tại khu chợ cũ. Nhưng với nhiều lý do khách quan đến tháng 7-2010, công trình mới chính thức làm lễ khởi công. Xác định đây là công trình quan trọng, tạo điểm nhấn, khi hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế của huyện, phục vụ buôn bán kinh doanh cho các hộ tiểu thương, qua đó góp phần kích cầu cho hoạt động thương mại của huyện Di Linh ngày càng phát triển, vì vậy Đại hội Đảng bộ huyện Di Linh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã chọn công trình này làm công trình trọng điểm của cả giai đoạn 2010-2015.
Tuy nhiên, việc chuyển địa điểm buôn bán kinh doanh từ chợ cũ cấp 4 nơi đã gắn bó với bà con tiểu thương hơn 20 năm qua, dù chợ đã hết thời hạn sử dụng, không còn đủ các tiêu chuẩn về chợ, đến khu chợ mới cấp 1 khang trang vẫn khiến bà con tiểu thương có nhiều tâm tư và sự xáo trộn. Đa phần các tiểu thương trong chợ mong muốn được buôn bán trong một ngôi chợ khang trang và an toàn hơn. Tuy nhiên, cũng có những tiểu thương đắn đo suy nghĩ thiệt hơn, hoặc vì hoàn cảnh khó khăn, hoặc vì lợi ích kinh doanh không muốn chuyển chợ.
Chiều 22-9, để trực tiếp lắng nghe nguyện vọng của các tiểu thương trước thời điểm di dời chợ cũ và khai trương chợ mới, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng các sở, ban ngành liên quan và lãnh đạo chính quyền huyện Di Linh đã có buổi đối thoại trực tiếp với hơn 100 tiểu thương chợ cũ. Một buổi đối thoại thẳng thắn, cởi mở, giải tỏa nhiều thắc mắc cho bà con tiểu thương. Phó Chủ tịch tỉnh đã khẳng định việc xây dựng chợ mới là chủ trương đúng đắn từ yêu cầu thực tế phát triển của địa phương, phù hợp với quy hoạch chung của cả nước và toàn tỉnh. Ông khẳng định các quyết định của huyện Di Linh liên quan tới chợ Di Linh thời gian vừa qua là đúng pháp luật, đúng chủ trương chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng. Lãnh đạo các ban ngành đã cung cấp những thông tin chuẩn xác về chủ trương xây chợ mới, chất lượng công trình cho bà con an tâm.
Đặc biệt bà con được biết chính xác giá mua quầy, sạp trong chợ mà nhà đầu tư đưa ra dưới mức quy định của nhà nước. Cũng trong buổi đối thoại bà con được cung cấp thông tin về việc giảm giá và khuyến mãi của nhà đầu tư cho các hộ tiểu thương mua quầy tại chợ mới, mức cao nhất lên tới 12%... Chính quyền sẽ rà soát và có biện pháp hỗ trợ cho những hộ kinh doanh có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu được kinh doanh trong chợ mới.
Chị Nguyễn Thị Tài nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu ki-ốt mới mua
Chợ mới mang niềm vui mới
Đại diện các ban ngành phân tích và Phó Chủ tịch tỉnh cũng khẳng định không thể tiếp tục duy trì và sử dụng chợ cũ do quá thời hạn sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo tiêu chí chợ. Thời điểm khai trương chợ 1-10 theo thông báo và quyết định của huyện là không thay đổi, nhưng tạm thời để tạo điều kiện cho các tiểu thương trong khu chợ cũ thuận lợi trong việc thu xếp di dời về khu chợ mới, trước mắt song song với việc khai trương khu chợ trung tâm vào ngày 1-10 với những hộ đã mua quầy vẫn đi vào hoạt động, những hộ chưa di dời tạm thời có thể kinh doanh tại khu chợ cũ trong một thời gian ngắn cho đến khi tỉnh có công văn chính thức trả lời những khiếu nại của bà con tiểu thương theo đúng quy định.
Tại khu chợ trung tâm, trong không khí khẩn trương chuẩn bị cho ngày khai trương sắp tới, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng Vân (41 tuổi), một tiểu thương kinh doanh tại khu chợ cũ, chị đang sửa soạn quầy hàng của mình để chuẩn bị cho ngày mở hàng sắp tới. Quầy của chị Vân kinh doanh hàng mỹ phẩm, nằm ngay lối vào khu chợ chính, gồm các quầy A1-01, 02,03. Chị Vân cho biết chị kinh doanh ngành mỹ phẩm và gắn bó với chợ cũ gần 20 năm. Theo chị khu chợ trung tâm này ra đời đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của đông đảo tiểu thương trong khu chợ cũ. Bởi khu chợ cũ đã quá cũ, thiếu sự an toàn, quy củ và không đáp ứng được nhu cầu phát triển, mở mang kinh doanh lâu dài của tiểu thương.
Chị Vân cho biết chị mua 3 lô quầy liền kề nhau có diện tích 12 m2, với tổng số tiền sau khi được trừ khuyến mãi do mua đợt đầu và trả tiền ngay, còn hơn 1 tỉ đồng, trong thời hạn 43 năm.
Đối diện với quầy hàng chị Vân là quầy của ông Trần Công Hiền (60 tuổi). Ông Hiền cho biết ông mua 2 lô quầy B1-02,03 để kinh doanh hàng sành sứ, ngành hàng truyền thống của gia đình ông từ chợ cũ. Ông Hiền cho hay nhà ông ngay mặt tiền, gần chợ nhưng ông vẫn mua quầy trong chợ để kinh doanh dù phải vay mượn thêm. Tổng số tiền ông mua hai lô quầy này sau khi trừ tiền khuyến mãi chỉ còn phải nộp hơn 900 triệu đồng cho 43 năm sở hữu và sử dụng.
Ở khu vực phía Nam chợ, vợ chồng chị Tài vui vẻ nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu ngay tại ki-ốt của mình theo kiểu chìa khóa trao tay. Anh chị trao đổi với các nhân viên trong Công ty Long Việt một số yêu cầu và được vui vẻ chấp nhận. Theo chị Tài, ki-ốt nhỏ hơn diện tích của sạp hàng nơi chợ cũ nhưng vị trí kinh doanh khá thuận lợi bởi mặt bằng thoáng đãng, ki-ốt được trang bị công tơ điện và điện chiếu sáng riêng biệt.
Gần đến ngày khai trương, nơi nhiều người tới nhận quầy là khu vực chợ phụ, bao gồm các hàng tươi sống, rau củ quả. Cán bộ Ban Quản lý công trình chợ Di Linh thuộc Công ty CP Long Việt cho biết khu chợ phụ đã kín sạp. Chị Trần Thị Lệ Thủy, tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ cũ, một trong những người đăng ký mua sạp và thanh toán đợt đầu tiên, cho biết chị rất vui khi thấy chợ mới khang trang. Ngắm quầy hàng sáng choang được thiết kế sạch, đẹp, ngăn nắp, khoa học, có đồng hồ điện, nước riêng thuận tiện cho người kinh doanh, chị Thủy rất hài lòng.
Vài nét về Công ty CP Long Việt ( LOVICO) Trụ sở chính: Số 315 Trường Chinh - TP Đà Nẵng. LOVICO, nguyên tiền thân là Công ty Xây lắp Nội thương Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 90/NT/QĐ ngày 11-12-1975 của Cục Kiến thiết cơ bản và Trang thiết bị - Bộ Nội Thương (nay là Bộ Công Thương). Gần 40 năm xây dựng và phát triển, qua nhiều lần đổi tên, dù trải qua không ít khó khăn song công ty đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, cống hiến và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Chợ huyện Di Linh - Tổng diện tích xây dựng chợ và hạ tầng thuộc phần chợ là 1,64 ha. Trong đó diện tích xây dựng chợ chính 5.300 m2 (tầng trệt 2.556 m2, tầng hai: 2.754 m2); diện tích xây dựng chợ phụ 1.957 m2. Hạ tầng thuộc phần chợ 9.200 m2. - Tổng mức đầu tư của phần chợ suốt thời kỳ dự án đến năm 2058 là 231,3 tỉ đồng, trong đó đầu tư thời kỳ xây dựng từ 2010-2015 là 156,3 tỉ đồng và đầu tư thời kỳ khai thác (thuê đất, bảo hiểm, sửa chữa thường xuyên, lãi vay...) từ 2016-2058 là 75,04 tỉ. - Tổng số điểm kinh doanh (quầy bán hàng) của chợ theo thiết kế là 596 điểm và kho hàng. Trong đó, dự phòng cho phát triển lâu dài 25% là 150 quầy, kế hoạch đưa vào hoạt động lần này 446 quầy. Khu chợ phụ: Bán hàng nông sản thực phẩm có 202 quầy, diện tích bình quân 4 m2/quầy, tường ốp gạch men, mặt quầy bằng inox hoặc lát gạch. Tất cả các quầy đều có đồng hồ điện nước riêng. Khu chợ chính: Bán hàng vàng bạc, đồ điện tử, quần áo, bông vải sợi, thuốc tây, sành sứ... có 384 quầy và các ki-ốt trong chợ chính, diện tích quầy điển hình 5-6 m2/quầy, quầy làm bằng thép đục lỗ, có vách ngăn cửa riêng biệt, mỗi quầy gắn đồng hồ điện riêng. Hai ki-ốt độc lập với tổng số 6 quầy, diện tích 11 m2/quầy. (Nguồn Công ty CP Long Việt) |
Bài và ảnh: Kim Ngân