Tại một số nước như Mỹ, Đức, Nhật, Singapore..., người đăng ký SIM chỉ cần giấy tờ tuỳ thân do đã có hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử quốc gia. Mọi giao dịch đều được kết nối với thông tin ID của công dân, trong đó có dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên, không nhiều quốc gia có một hệ thống dữ liệu như vậy. Biện pháp nhận diện qua sinh trắc học ngày càng được nhiều giới chức viễn thông chọn dù theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông), "chi phí khá cao và thủ tục còn phức tạp hơn rất nhiều so với việc chụp ảnh".
Thái Lan yêu cầu người mua SIM phải chụp ảnh hoặc dùng vân tay. Ảnh: The Nation
Tại Thái Lan, từ ngày 15/12/2017, người dân phải đăng ký thông tin khi mua SIM mới, cả trả trước và trả sau, tại các trung tâm dịch vụ và điểm bán lẻ trên khắp cả nước có trang bị công cụ nhận diện sinh trắc học.
Vân tay của người mua sẽ phải khớp với dữ liệu trong chứng minh thư và hệ thống dữ liệu công dân của chính phủ. Ngoài vân tay, nhận diện khuôn mặt cũng có thể thay thế, tùy vào loại thiết bị tại điểm mua SIM. Sau quá trình nhận diện, các trung tâm dịch vụ sẽ gửi dữ liệu của người dùng về nhà mạng và không giữ lại bất kỳ thông tin nào. Với người nước ngoài, mặt của họ cũng phải khớp với ảnh trên hộ chiếu.
Việc đăng ký thông tin bắt buộc khi mua SIM trả trước ngày càng phổ biến sau khi được áp dụng tại Brazil, Đức và Thụy Sĩ năm 2003. Nhiều chính phủ cấm các nhà mạng bán hoặc kích hoạt SIM trả trước, trừ phi người mua trình ra giấy tờ tùy thân và đăng ký SIM bằng tên thật. Người mua được yêu cầu đăng ký thông tin với nhà mạng để tránh bên thứ ba có được SIM và dùng cho mục đích phạm tội.
Theo một khảo sát năm 2013 của Hiệp hội Kiểm soát Lừa đảo Truyền thông (CFCA), hoạt động lừa đảo đã khiến doanh thu toàn cầu ngành viễn thông thất thoát 46,3 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2011. Tội phạm nhằm vào ngành này, thông qua các cách thức mới, để đánh cắp danh tính, thiết bị và quyền truy cập mạng lưới.
Reuters cho biết hệ thống này đã áp dụng tại miền Bắc Thái Lan từ tháng 6, khi những kẻ nổi loạn thường dùng SIM trả trước để kích hoạt bom. Dù vậy, trên cả nước, quy định mới nhắm đến việc duy trì an ninh trong dịch vụ ngân hàng di động nhiều hơn.
Như tại Pakistan, nước này đã yêu cầu các thuê bao di động xác thực danh tính bằng sinh trắc học, nhằm thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia để kiềm chế khủng bố. Những kẻ khủng bố được cho là thường dùng SIM rác để liên lạc với nhau. Gần 27,5 triệu trên 103 triệu SIM kích hoạt sau đó đã bị khóa lại do không đủ thông tin.
Tương tự, tháng 9/2017, Ấn Độ ra quy định buộc người dùng di động liên kết SIM với thẻ căn cước Aadhaar (chứa cả các dữ liệu sinh trắc học như vân tay và mống mắt). Quyết định này nhằm ngăn tội phạm, những kẻ lừa đảo và khủng bố sử dụng SIM được đăng ký bởi tên của người thường.
Saudi Arabia áp dụng chính sách này từ năm 2016. Ủy ban Công nghệ Thông tin và Truyền thông nước này yêu cầu tất cả SIM đang lưu hành phải được kết nối với dữ liệu vân tay lưu tại Trung tâm Thông tin Quốc gia. Đến tháng 7/2017, các thuê bao không đăng ký sẽ bị khóa. Gulf News cho biết mục đích của việc này cũng là ngăn nạn lừa đảo.
Quá trình quản lý thuê bao trả trước của Bangladesh cũng vậy. Theo BDNews24, hơn 100 SIM tại đây đã được xác thực bằng đặc điểm sinh trắc học của người dùng, tương đương hơn 76% SIM. Dù vậy, kể cả sau hoạt động này, giới chức Bangladesh cho biết nhiều người vẫn dùng SIM cho các hoạt động phi pháp. Vì thế, năm 2016, họ phải bổ sung quy định giới hạn mỗi người chỉ được đăng ký tối đa 5 SIM, thay vì 20 như trước đây.
Nigeria thì áp dụng cả hệ thống chụp ảnh và quét vân tay để đăng ký SIM. Quá trình này được Quốc hội phê duyệt năm 2011 và hoàn tất năm 2013. Đến 2015, chiến dịch tương tự lại được triển khai. Việc này nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu chính xác để theo dõi việc sử dụng SIM, chống lừa đảo và ngăn chặn tội phạm dùng SIM kích hoạt trước.
Ngày càng nhiều quốc gia muốn quản lý SIM trả trước. Ảnh: New Straits Times
Sau giai đoạn đầu có phần lỏng lẻo, cũng như Việt Nam, nhiều quốc gia đã bắt đầu siết chặt khâu quản lý SIM. Ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Phụ trách mảng xúc tiến đầu tư nước ngoài của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, ở Tanzania - quốc gia mà Viettel đã hoạt động kinh doanh được 3 năm nay, người dân cũng phải lấy dấu vân tay khi đăng ký thuê bao, chưa kể những thông tin khác cũng rất chặt chẽ, phải đảm bảo sự chính xác.
Ở Peru, khách hàng phải cung cấp thông tin cá nhân và ảnh khi đăng ký thuê bao. Tuy nhiên, tại quốc gia này, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân khá đồng bộ và được quản lý theo mã số định danh. Do đó, khi khách hàng đăng ký thông tin thì nhà mạng sẽ phải kết nối mua dữ liệu của cơ quan quản lý để xác thực thông tin cá nhân của chủ thuê bao nên không có chuyện làm giả được giấy tờ.
Thông tin của các chủ thuê bao được quản lý theo 2 tầng, một tầng nhà mạng và một tầng cơ quan quản lý. Cơ quan nhà nước cũng định kỳ kiểm tra dữ liệu do các nhà mạng cập nhật lên. Nếu doanh nghiệp đưa thông tin sai hoặc thiếu sẽ bị phạt rất nặng, theo ông Dũng, có thể lên tới cả triệu USD.
Trong khi đó, tại Mexico, quy định đăng ký thông tin bắt buộc với SIM (RENAUT) được áp dụng từ năm 2010, nhưng đã phải dừng lại năm 2012. Nguyên nhân là nỗi lo về an toàn dữ liệu cá nhân và nhiều người khó đăng ký do thiếu giấy tờ tùy thân. Từ năm 2014, nước này chuyển sang các quy định với nhà mạng để giải quyết vấn đề lừa đảo, như quản lý danh sách thiết bị mất cắp hay quản lý mã số IMEI đặc trưng của mỗi điện thoại.
Ecuador cũng tập trung vào việc đăng ký IMEI. Nhà mạng sẽ phải lưu trữ mã số này với từng SIM của khách hàng. Vì thế, mỗi khi khách hàng mua SIM, nhà mạng sẽ có số liệu của cả số IMEI và SIM.