Những năm trước đây, UBND tỉnh Gia Lai đều có chính sách hỗ trợ cây giống, vật nuôi và một số mặt hàng chính sách khác từ chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số theo chính sách của Chính phủ. Trong đó, có cả chính sách cấp muối i-ốt. Nhờ điều này, nhiều hộ dân đặc biệt khó khăn trong tỉnh Gia Lai đã từng bước cải thiện cuộc sống, hạn chế bệnh tật.
Theo ông Kpă Đô, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, từ năm 2020, chính sách cấp muối i-ốt cho người nghèo ở vùng khó khăn từ nguồn ngân sách của Chính phủ đã bị cắt giảm. Trong khi đó, từ năm 2020, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi nguồn lực đều tập trung cho việc phòng, chống dịch Covid-19.
Từ năm 2020 đến nay, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai không còn được hỗ trợ muối i-ốt, phải mua muối hạt nhiều tạp chất để sử dụng
Do đó, nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân nghèo vùng khó khăn bị cắt giảm. Trong đó, việc cấp hỗ trợ muối i-ốt cũng bị dừng lại. Từ đây, hơn 600 ngàn người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ muối đã phải tìm mua nguồn muối khác để sử dụng.
Tuy nhiên, những người dân này không phải ai cũng mua được nguồn muối i-ốt sạch để dùng. Thậm chí, nhiều người còn không phân biệt được giữa muối hạt nhiều tạp chất và muối có hàm lượng i-ốt.
Chị Kpă Hyư (xã Ia Broái, huyện Ia Pa) cho biết từ khi bị ngừng cấp muối, người dân trên địa bàn thường ra hàng tạp hóa mua muối hạt hoặc chờ xe chở muối tới tận các buôn làng để mua. Nhưng muối tại những nơi này ăn không ngon, nhiều tạp chất. "Nhiều người chỉ biết mua muối về dùng, không phân biệt được muối i-ốt và muối thường. Họ chỉ phản ánh rằng muối mua trước khi sử dụng phải ngâm vào nước khuấy lên để lọc đá, sạn ra rồi mới lấy nước muối dùng nấu ăn. Tôi cũng khuyên bà con nên mua loại muối i-ốt say, nhưng bà con không có tiền nên chỉ mua muối hạt thông thường. Trong các cuộc họp, bà con đều mong muốn được nhà nước cấp lại muối" – chị Kpă Hyư kể.
Người dân ở huyện Ia Pa sử dụng muối hạt thông thường mua từ các thương lái chở tới tận các buôn làng
Theo ông Đinh Văn Nơ, Chủ tịch UBND xã Đăk Rong, huyện Kbang, xã này nằm ở vùng sâu, cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn nên từ trước tới nay người dân trong xã thường dùng muối được nhà nước cấp để sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, từ khi mặt hàng này bị cắt giảm nên nhiều hộ gia đình còn khó khăn, chưa tiếp cận được nguồn muối i-ốt. Do đó, các kì tiếp xúc cử tri người dân đều ý kiến được UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục quan tâm, hỗ trợ muối i-ốt cho bà con để sử dụng hàng ngày.
Trương tự, cử tri huyện Chư Sê cũng nhiều lần đề nghị tiếp tục cấp phát muối i-ốt cho bà con là hộ nghèo vùng khó khăn. Do đó, để giải quyết nhu cầu thiết thực của bà con, HĐND huyện Chư Sê cũng có văn bản đề nghị HĐND tỉnh Gia Lai có kiến nghị với cấp có thẩm quyền, xem xét, hỗ trợ lại muối i-ốt để người dân sử dụng.
Người dân xã H'bông, huyện Chư Sê kiến nghị chính quyền địa phương xem xét, cấp lại muối i-ốt cho dân
Theo ông Kpah Đô, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, từ những năm trước, việc cấp muối i-ốt đã đạt được những kết quả tích cực, cho thấy rằng chính sách cấp muối i-ốt cho người dân là rất cần thiết, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. "Có thể nói, chính sách hỗ trợ muối i-ốt đã đi vào lòng dân, dược nhân dân ủng hộ. Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã dần dần hiểu rõ hơn việc sử dụng muối i-ốt có tác dụng tốt cho sức khỏe, góp phần phòng, chống các loại bệnh tật như bướu cổ, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển…" - ông Đô nói.
Từ đó, đã hình thành thói quen sử dụng muối i-ốt, giúp nâng cao thể chất, cải thiện đời sống và đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vào năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ muối i-ốt cho người đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai, sau khi Ban Dân tộc tỉnh có đề nghị, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu đơn vị rà soát các quy định của pháp luật và thấy chính sách cấp muối i-ốt cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn từ ngày 1-1-2019 đã bị bãi bỏ. Do đó, để có cơ sở triển khai thực hiện chính sách cấp muối i-ốt thì phải được HĐND tỉnh thông qua (do đặc thù của địa phương). Sau khi HĐND tỉnh có nghị quyết thông qua, Sở Tài chính mới có cơ sở để đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện.
Các tỉnh lân cận đều cấp muối i-ốt
Trong khi tỉnh Gia Lai dừng triển khai cấp muối i-ốt cho hộ nghèo vùng khó khăn thì những địa phương lân cận hàng năm vẫn đều đặn cấp muối i-ốt cho dân. Đơn cử UBND tỉnh Bình Định năm 2022 sẽ cấp muối i-ốt cho 41.445 người nghèo, với định mức 6kg/người/năm. Tỉnh Quảng Ngãi cũng có đề án cấp không thu các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi từ năm 2019-2025 với định mức 1kg/người/năm.