"Khẩu vị" mới của các nhà đầu tư Nhật Bản
Đánh con xe bốn bánh vào chỗ đỗ trên phố Lê Duẩn, cả gia đình anh Hòa bước vào siêu thị FujiMart, điểm đến ưa thích hơn 1 năm nay. Lũ trẻ cùng cha chạy lên tầng 2 nhặt đồ hóa mỹ phẩm, đồ uống, mỳ Ý, gia vị... theo danh sách đã lập sẵn rồi xuống tầng 1 sà vào quầy bánh thơm nức mũi nóng hổi. Mẹ chúng lại say sưa lựa chọn thực phẩm, rau quả tươi sống ngay tầng 1...
Tiêu chí của FujiMart là “Fresh Everyday - Tươi ngon mỗi ngày”
Anh Hòa kể đi mua sắm cùng nhau đã trở thành thói quen và văn hóa của gia đình, không chỉ phục vụ nhu cầu ăn uống sinh hoạt của 1 tuần kế tiếp mà mua sắm tại siêu thị giúp vợ chồng anh dạy lũ trẻ nhiều điều hữu ích về giá trị của đồng tiền, cách lựa chọn đồ phù hợp... những kỹ năng sống quan trọng vốn là điểm yếu của trẻ em thành phố. Thói quen này còn tạo ra chất kết dính bền chặt, niềm vui trong cả gia đình, vợ anh cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều vì được chia sẻ việc nhà thay cho mỗi lần vất vả khệ nệ bưng vác đi chợ trước đây.
Cách nhà gần 5 km nhưng gia đình chọn FujiMart là điểm mua sắm yêu thích sau khi trải nghiệm hầu hết các hệ thống bán lẻ hiện đại tại Thủ đô, bởi chị vợ đánh giá nơi đây vô địch về độ tươi ngon của sản phẩm, còn chủng loại hàng hóa phong phú và giá cả phù hợp.
Sự gắn bó và niềm vui của những thượng đế như gia đình anh Hòa có lẽ đã tạo cảm hứng cho các nhà đầu tư BRG và Sumitomo tiếp tục mở FujiMart thứ 2 tại 36 Hoàng Cầu ngay trong tháng 8 này.
Ông Keisuke Hitotsumatsu, Tổng giám đốc FujiMart Việt Nam cho biết: "Cả Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation đều có nguồn lực lớn cùng kinh nghiệm nhiều năm trong vận hành và kinh doanh chuỗi siêu thị. Do vậy, sự hợp tác và khai trương thêm siêu thị FujiMart chắc chắn sẽ đóng góp cho sự phát triển không ngừng của ngành bán lẻ Việt Nam".
Không chỉ có Sumitomo mà đã và sẽ có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản khác "mê đắm" với lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là bán lẻ Việt Nam. Điều này được ông Tetsuo Konaka, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đánh giá, là xu hướng mới của các nhà đầu tư xứ mặt trời mọc.
"Ba năm trước, Thái Lan là thị trường rất hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đến đầu tư tại Thái Lan hơn là đến Việt Nam. Nhưng đến nay, xu hướng này đã thay đổi khi nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chuyển hướng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam bởi thị trường lớn với quy mô dân số hơn 96 triệu người, tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng, có sức chi trả hàng hóa chất lượng tốt", ông Tetsuo Konaka nhìn nhận.
Nghiên cứu của nhiều tổ chức đã củng cố thêm quyết tâm cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Chẳng hạn, Economist Intelligent mới đây dự đoán, tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập hơn 10.000 USD/năm sẽ tăng từ 12% năm 2016 lên 17% năm 2021. Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng về tầng lớp trung lưu nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, hơn 50% dân số Việt Nam đang ở độ tuổi lao động. Hơn 40% dân số có tuổi dưới 24. Là những độ tuổi có nhu cầu tiêu dùng lớn nhất. Dân số vàng cùng với sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu đồng nghĩa nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cơ bản và cao cấp tăng mạnh.
Không chỉ có người trẻ là nhu cầu tiêu dùng quan trọng của nền kinh tế mà những người cao tuổi cũng sẽ là một lực lượng tiêu dùng bổ sung cho ngành bán lẻ. Trong năm 2000 số người già trên 60 tuổi chỉ khoảng 6,9 triệu người thì đến 2015 đã tăng lên 9,6 triệu người và dự kiến sẽ tăng lên 12,3 triệu người năm 2020, chiếm 12,5% dân số.
Người cao tuổi, tuổi thọ cao hơn sẽ làm tăng nhu cầu những mặt hàng gia tăng sức khỏe và có ích cho cuộc sống. Bên cạnh đó, Việt Nam là nước trong top tỷ lệ đô thị hóa cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, yếu tố được coi thúc đẩy ngành bán lẻ phát triển mạnh mẽ.
Theo đánh giá của Tập đoàn Tư vấn Thị trường A.T Kearney (Mỹ) về chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), Việt Nam là một trong số 30 nền kinh tế có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhiều năm liền. Trong khi đó, World Bank cũng đưa ra dự báo chi tiêu tại hộ gia đình của Việt Nam sẽ tăng trung bình 10,5%/năm.
Nói về chiến lược tại Việt Nam, ông Keisuke Hitotsumatsu chia sẻ, FujiMart đặt mục tiêu chính là phục vụ tốt nhất cho cộng đồng dân cư xung quanh nơi siêu thị này mở cửa.
Siêu thị FujiMart 36 Hoàng Cầu
Rồi đây những bảng hiệu như Uniqlo, Aeon, Takasimaya, Fujimart... sẽ ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Dù vậy, bước đi của các nhà đầu tư Nhật Bản, khá đặc biệt, "chậm mà chắc".
Tìm kiếm sự trung thành
Các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ đều có các tiêu chí chọn vị trí khá giống nhau (số dân cư, số lượng giao thông đi lại, mức độ giàu có..). Tuy nhiên, cuộc đua tìm kiếm và lựa chọn mặt bằng đẹp chỉ là một trong những tiêu chí ưu tiên của những tập đoàn lớn như Sumitomo.
Đặc sản của FujiMart là bí quyết và công nghệ vận hành, đặc biệt trong khâu kiểm soát và đảm bảo thực phẩm tươi ngon cùng phong cách phục vụ khách hàng tận tâm của người Nhật. Khi chưa đáp ứng được yêu cầu này, Sumitomo không vội mở siêu thị mới, dù địa điểm được đề nghị rất ưu việt.
Ông Keisuke Hitotsumatsu cho biết, FujiMart mất gần 2 năm để nghiên cứu rồi quyết định mở siêu thị thứ 2 tại địa điểm 36 Hoàng Cầu sau khi siêu thị FujiMart 142 Lê Duẩn chứng minh định hướng phát triển của FujiMart là có cơ sở.
Siêu thị FujiMart 36 Hoàng Cầu có tổng diện tích hơn 1.000 m2, với khoảng gần 10.000 mã hàng tiêu dùng được bày bán theo các khu vực trên cùng một mặt sàn, thuận tiện cho người tiêu dùng tham quan và lựa chọn. Với tiêu chí "Fresh Everyday - Tươi ngon mỗi ngày", các sản phẩm tươi sống tại FujiMart được nhập hàng ngày, đảm bảo chất lượng tươi ngon của sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Lâu nay, doanh thu thường được sử dụng như thước đo thể hiện sự thành công của một siêu thị bán lẻ hiện đại. Giá thành, chất lượng, sự đa dạng, sự tiện lợi về vị trí của cửa hàng thường được coi là 4 yếu tố dẫn dắt sự thành công của các chuỗi bán lẻ. Tuy nhiên, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành bán lẻ, ông Keisuke Hitotsumatsu nhìn nhận rằng, trong cuộc đua cạnh tranh tới đây, bên cạnh sự phát triển về bề rộng như ồ ạt mở điểm bán mới, chiều sâu mới là yếu tố "ăn điểm". Về điều này, các nhà bán lẻ Nhật Bản sẽ có lợi thế bởi văn hóa kinh doanh chuộng chất lượng và đề cao sự gắn bó, trung thành.
"Muốn đi xa thì đi cùng nhau", chiến lược của những Tập đoàn có bề dày phát triển hàng trăm năm như Sumitomo đã thể hiện tương đối rõ khi hướng đến sự kết hợp hoàn hảo với BRG, một tập đoàn kinh tế lớn trong nước có lợi thế hiểu biết tâm lý và văn hóa tiêu dùng Việt Nam, có tiềm lực tài chính và khả năng liên kết chuỗi, kết nối nhà sản xuất, phân phối... Về phần mình, công nghệ và nguồn vốn là thế mạnh không thể phủ nhận của Sumitomo.
Một tầm nhìn xa hơn cũng đã được thiết lập. Khi chuỗi cửa hàng thật đã thu hút được đông đảo khách hàng và thương hiệu trở nên quen thuộc, các nhà bán lẻ có tiềm lực mạnh có thể kết nối, triển khai bán hàng online. Mô hình omni channel, vừa có sự hiện diện của chuỗi cửa hàng tại nhiều nơi (có thể đổi, trả, trao đổi về hàng hóa) vừa có sự tiện lợi của việc mua hàng online khi triển khai rộng, được nhận định sẽ trở thành xu hướng bán lẻ trên một thị trường còn giàu tiềm năng như Việt Nam.