Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung một số nội dung của Nghị định số 55/2015 về tam nông đã nâng mức vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, đây là điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Năm 2023, chị Nguyễn Thị Mai, xã Ngọc Xá được Agribank thị xã Quế Võ giới thiệu về chương trình cho vay theo Nghị định số 116, để đầu tư phát triển nuôi cá lồng trên sông Đuống thuộc địa phận xã Cao Đức, huyện Gia Bình. Chị Mai cho biết: “Nhờ nguồn vốn này, đến nay mô hình nuôi cá lồng của gia đình phát huy hiệu quả với quy mô hơn 10 lồng cá, chủ yếu giống cá chép giòn. Trung bình mỗi lồng cho thu hoạch từ 5-6 tấn cá. Với độ dinh dưỡng cao, chất lượng thịt cá ngon, sản phẩm được thương lái từ Hà Nội và các tỉnh lân cận về tận nơi thu mua. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, thu 21 tấn cá, giá bán 120 nghìn đồng/kg, tổng thu hơn 2 tỉ đồng. Gia đình chuẩn bị thu 3 lồng, sản lượng khoảng 17 tấn. Giá cá giao tại ao hiện tăng lên 130 nghìn đồng kg. Dự kiến trong thời gian tới, gia đình tôi đầu tư nuôi thêm 10 lồng cá”.
Với thế mạnh về chăn nuôi thủy sản, xã Mão Điền, thị xã Thuận Thành quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Nhiều hộ mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư trang thiết bị, chuyển đổi sang mô hình nuôi cá hiện đại theo tiêu chuẩn VietGAP. Nằm ven đê sông Đuống, mô hình nuôi cá lồng gia đình anh Đỗ Đăng Thức là minh chứng cho hiệu quả nguồn vốn Tam nông. Anh Thức chia sẻ: “Nhờ sự trợ giúp đắc lực của Agribank Thuận Thành, ban đầu chỉ vài trăm triệu đồng, rồi vài tỷ đồng, quy mô nuôi cá lồng trên sông cũng vì thế được mở rộng. Những đồng vốn sinh lời theo tinh thần Nghị định số 116 của Chính phủ, nâng hạn mức cho vay lên gần 2 tỷ đồng giúp gia đình mở rộng phát triển nuôi cá theo hướng VietGAP cho giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với nuôi cá thường. Từ sự hỗ trợ tích cực của Agribank, gia đình nâng tổng số lên 65 lồng cá, chủ lực là cá lăng, trắm, chép giòn và cá diêu hồng. Mỗi năm gia đình thu khoảng hơn 20-40 tấn cá, doanh thu đạt từ 15-20 tỉ đồng”.
Chị Dương Thị Giang, Giám đốc Công ty sản xuất và Thương mại LK VINA chuyên sản xuất, gia công các linh kiện điện tử, khuôn bế và thiết bị ngoại vi của máy vi tính ở phường Quế Tân. Cứ mỗi lần mở rộng làm ăn, Agribank Quế Võ là địa chỉ đầu tiên chị tìm đến để vay vốn đầu tư phát triển kinh doanh. Chị Giang chia sẻ: “Công ty vừa được Agribank thị xã giải ngân cho vay gần 2 tỉ đồng để đầu tư thêm dây chuyền sản xuất. Lãi suất đang ở mức khá thấp là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Năm 2024, tình hình kinh tế khởi sắc, hoạt động kinh doanh phát triển trở lại, đơn đặt hàng tăng khá. Công ty phấn đấu doanh thu cả năm 2024 đạt hơn 30 tỉ đồng, duy trì việc làm ổn định cho 40 lao động, với thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng/người/tháng”.
Đây là 3 trong số hàng nghìn khách hàng đang sử dụng nguồn vốn Agribank đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả. Đến hết tháng 6, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh có tổng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt trên 26 nghìn tỉ đồng, chiếm 40% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chi nhánh dành vốn đầu tư chủ yếu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, mở rộng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ sản xuất hàng hóa, hộ làm kinh tế trang trại, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, mô hình kinh tế tổng hợp… cho hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Trong những năm qua, đơn vị bám sát định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, định hướng kinh doanh của ngành và tranh thủ sự lãnh đạo, ủng hộ của chính quyền địa phương các cấp, triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng tranh thủ các nguồn vốn dự án ủy thác đầu tư, từ đó chủ động được nguồn vốn cho vay phục vụ công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn”.