Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 6, cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp so với cùng kỳ năm trước khi chỉ đạt 5,6% trong quý I/2016 nhưng đang trên đà cải thiện trong quý II/2016. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI trong tháng 5 đạt mức cao nhất trong 10 tháng qua lên 52,7 điểm.
Hoạt động sản xuất cải thiện
Kinh tế cải thiện nhờ số lượng đơn hàng mới gia tăng mạnh mẽ, cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu vẫn tăng trưởng khả quan trong quý II. HSBC kỳ vọng GDP quý này sẽ tăng và đạt mức 6,1% so với cùng kỳ năm trước và dự báo cả năm GDP sẽ đạt mức 6,3%. Trong khi đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 vừa qua, các thành viên Chính phủ nhấn mạnh định hướng điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững và khẳng định chưa điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2016 mà Quốc hội đã thông qua.
Quan điểm của cơ quan quản lý sẽ thiên về khuyến khích tăng trưởng nhưng mục tiêu tăng GDP 6,7% sẽ khó đạt được trong bối cảnh tăng trưởng quý I không tốt, nhất là khó khăn từ hoạt động xuất khẩu. Lo ngại được HSBC đưa ra, các cơ quan quản lý sẽ nới lỏng điều kiện tín dụng hơn nhằm kích thích chi tiêu trong khối tư nhân, chi tiêu nhà nước cũng có nhiều dấu hiệu gia tăng rõ rệt. Khó khăn đối với thương mại lớn hơn dự kiến khiến nhu cầu trong nước - cụ thể là lĩnh vực đầu tư - phải tăng rất mạnh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Chính phủ nhiều khả năng sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước nâng mức tăng trưởng tín dụng lên gần 20% trong nửa cuối năm, sau khi 4 tháng đầu năm, con số này đã là 17,3%.
“Khi chính sách khuyến khích kinh tế càng lớn, càng nhiều rủi ro vì các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn khá mỏng như dự trữ ngoại hối thấp, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với khó khăn và lạm phát dù nằm trong vòng kiểm soát nhưng vẫn tăng đều. Do đó, cần chính sách tài chính và tiền tệ cẩn trọng hơn” - đại diện HSBC nhận xét.
Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong báo cáo kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm, cho rằng mục tiêu GDP cả năm có thể đạt 6,5%-6,7% nhờ quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ của Chính phủ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng mạnh và số doanh nghiệp thành lập mới khả quan, giá dầu thế giới có xu thế hồi phục và triển vọng tăng trưởng do các hiệp định thương mại tự do đem lại.
Nguồn thu từ thuế ngày càng giảm
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), xét về hiệu suất thu thuế, Việt Nam đang trội hơn các nước trong khu vực nhưng cơ sở này lại đang dần mai một. Chẳng hạn, tỉ lệ thuế doanh nghiệp tiêu chuẩn đã giảm từ 25% xuống còn 22% vào tháng 1-2014 và nằm ở mức 20% từ đầu năm 2016. Đồng thời, các vùng kinh tế đặc biệt và một số lĩnh vực ưu tiên cao được áp dụng mức thuế ưu đãi như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công nghệ cao, phát triển hạ tầng, phần mềm...
Doanh thu thuế xuất nhập khẩu vẫn chịu áp lực, do Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do. Như với Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2018 Việt Nam sẽ phải cắt giảm các mức thuế suất xuống 0% cho các đối tác thương mại trong khu vực này ở hầu hết mọi lĩnh vực. Ngay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng yêu cầu Việt Nam gỡ bỏ hầu hết hàng rào thuế quan đối với các đối tác thương mại nội khối trong vòng 15 năm tới.
Trong khi đó, doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên sẽ là thách thức ảnh hưởng đến yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với đối thủ. Do đó, việc mở rộng cơ sở lợi nhuận bằng cách áp dụng các biện pháp hành chính nhằm hạn chế trốn thuế, công bố các trường hợp gian lận thuế và đơn giản quá trình hóa thuế GTGT có thể giúp thu hẹp khoảng cách do cắt giảm thuế trên nhiều lĩnh vực và giảm thuế xuất nhập khẩu. HSBC cho rằng Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm chi tiêu hiện tại. Nhưng những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều nên tăng trưởng tuy chậm nhưng bền vững là điều cần thiết.