Dù tình hình kinh tế còn khó khăn, tín dụng tăng trưởng chậm nhưng nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn công bố lãi ngàn tỉ đồng, thậm chí một số NH có khả năng vượt kế hoạch năm. Nhưng trong bức tranh này, cũng có NHTM lợi nhuận sụt giảm mạnh hoặc kinh doanh thua lỗ vì nợ xấu tăng vọt.
Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III vừa được NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 3 quý đầu năm của NH đạt 7.692 tỉ đồng, tăng khá mạnh so với mức 7.036 tỉ đồng thời điểm cuối năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của NH này cũng tăng mạnh và chiếm gần một nửa lợi nhuận với hơn 3.512 tỉ đồng khiến tổng lợi nhuận trước thuế của NH này chỉ còn 4.179 tỉ đồng, đạt 76% kế hoạch so với mục tiêu 5.500 tỉ đồng.
Dù tỉ lệ nợ xấu của NH này đã giảm từ 2,73% xuống còn 2,54% nhưng thuyết minh báo cáo tài chính của Vietcombank cho thấy nợ có khả năng mất vốn đã tăng vọt, từ mức 2.791 tỉ đồng hồi cuối năm ngoái lên 4.725 tỉ đồng vào cuối quý III năm nay. Nếu tính cả nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 4, 5) của NH này, con số sẽ là 6.569 tỉ đồng.
Một “ông lớn” khác của ngành là NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đạt lợi nhuận ngàn tỉ đồng nhưng nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III vừa công bố, tổng lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 4.446 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 74% kế hoạch (kế hoạch cả năm 6.000 tỉ đồng). Sau khi trừ thuế, NH này lãi hơn 3.534 tỉ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, dù lợi nhuận nhiều nhưng nợ có khả năng mất vốn của NH này cũng tăng khá mạnh từ 4.209 tỉ đồng lên 5.371 tỉ đồng (tăng hơn 21,6%)…
Dù công bố lợi nhuận cao nhưng nhiều ngân hàng đang phải “đau đầu” với nợ xấu
Nỗi ám ảnh của ngân hàng
Trong bức tranh này, nợ xấu vẫn luôn là nỗi ám ảnh khi cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa khởi sắc. Thậm chí, đã có NH báo lỗ trong quý III vừa qua khi hoạt động tín dụng tăng không đáng kể và nợ xấu ở mức cao.
Theo báo cáo tài chính quý III được NH TMCP Đông Á công bố, trong quý này, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ đạt 73,4 tỉ đồng nhưng đã phải trích lập dự phòng hơn 139 tỉ đồng khiến tổng lợi nhuận trước thuế bị âm 66 tỉ đồng. Nợ xấu tính đến cuối tháng 9 chiếm khoảng 6,8% - khá cao so với mặt bằng chung, trong đó, nợ quá hạn đã tăng mạnh từ 5.710 tỉ đồng cuối năm ngoái lên gần 7.000 tỉ đồng đến quý III vừa qua.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính NH Trường ĐH Mở TP HCM, nợ xấu có xu hướng tăng ở các NHTM là điều bình thường, do phần lớn nợ xấu nằm trong bất động sản nhưng thị trường này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh. Thế nên, bức tranh ngành NH trong quý cuối năm và cả năm 2014 sẽ không sáng sủa và vẫn nằm trong giai đoạn khó khăn.
Vậy nợ xấu tiềm ẩn đã bộc lộ hết chưa? Theo các chuyên gia kinh tế, chắc chắn là chưa bởi NH không thể “trưng” hết nợ xấu ra do bản thân NH đang xử lý nợ xấu chủ yếu bằng cách bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và trích lập dự phòng rủi ro. “Do phải ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro thay vì chia cổ tức nên nợ xấu đang tiếp tục “ăn” vào lợi nhuận của các NH. Một số NH có thể lợi nhuận cao, vẫn lãi ngàn tỉ đồng nhưng là so với mặt bằng chung của ngành hoặc so với một số NH hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả” - TS Thuận nhận xét.
Bài và ảnh: Vũ Phong