Xu hướng mua sắm trên mạng ngày càng phổ biến, đem lại cơ hội khổng lồ cho giới kinh doanh. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng vấp phải những thách thức nhất định mà một trong số đó là phương thức thanh toán.
Sôi động chưa từng có
Ưu thế tiện lợi giúp mua sắm trên mạng “sinh sôi nảy nở” mạnh mẽ ở Đông Nam Á, một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Người dân khu vực này chăm chỉ tìm kiếm các công cụ và ứng dụng giúp họ lướt web mua sắm nhanh gọn hơn cũng như dễ so sánh để chọn giá hời nhất. Các ứng dụng như lập danh sách mua hàng, báo giảm giá… đang làm mưa làm gió trong khu vực, đặc biệt là ở Thái Lan và Việt Nam.
Theo trang Value Walk, hơn phân nửa cư dân mạng ở Việt Nam (56%) tiết lộ họ sử dụng các ứng dụng tìm giá rẻ mỗi khi lên kế hoạch mua sắm, 44% còn lại mua hàng bằng các ứng dụng điện thoại hoặc công cụ trực tuyến do nhà bán lẻ cung cấp. Còn tại Thái Lan, 55% cư dân mạng dùng các ứng dụng so sánh giá khi định mua món gì đó và 44% mở ứng dụng tìm sản phẩm giá rẻ của các cửa hàng.
Các dịch vụ du lịch như đặt vé máy bay, tour và phòng khách sạn là những món hàng được mua qua mạng phổ biến nhất ở Đông Nam Á. Vé xem phim, biểu diễn ca nhạc, triển lãm và thi đấu thể thao… cũng được mua không chút khó khăn chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Đảo quốc sư tử Singapore chính là nước có số lượng đặt mua qua mạng vé máy bay, đặt tour và khách sạn cao nhất thế giới. Cứ 10 người Singapore thì có 7 người mua vé máy bay trực tuyến, tức đạt tỉ lệ 70%.
Đặt mua qua mạng ở Malaysia cao không kém. Cụ thể, nước này xếp hạng 2 thế giới về đặt tour du lịch và khách sạn; xếp hạng 3 về đặt mua vé máy bay và các sự kiện văn hóa, thể thao... Khoảng phân nửa người tiêu dùng ở Indonesia, Philippines và Việt Nam cũng thường đặt mua những món kể trên qua mạng, còn ở Thái Lan tỉ lệ này là khoảng 4/10 người.
Lo ngại bảo mật thẻ
Nhấp chuột mua sắm là xu hướng không thể đảo ngược nhưng liệu đã có đủ phương thức thanh toán để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng hay chưa? Thực tế là chưa có nhiều giải pháp để làm hài lòng các khối khách hàng đông đảo, “chín người mười ý”. Hiện nay, ở Đông Nam Á, khách trả bằng tiền mặt vẫn chiếm số đông trong khi các doanh nghiệp trực tuyến chưa nắm được đầy đủ mức độ hứa hẹn của thị trường. Bộ phận Tiết kiệm và Chiến lược đầu tư toàn cầu của Tập đoàn Nielsen (Mỹ) đầu năm nay cho biết 60% người dân Malaysia thích dùng tiền mặt trong chi tiêu hằng ngày hơn là các loại thẻ tín dụng. Tỉ lệ này còn cao hơn ở Philippines (74%), Thái Lan (68%) và Việt Nam (61%).
Dường như chỉ có một ngoại lệ là ở Singapore, nơi người dân chuộng dùng ví điện tử hơn. Singapore hiện là một trong những thị trường dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thanh toán không tiếp xúc với hơn 4 triệu giao dịch qua thẻ visa mỗi tháng. Hơn 1/3 người dân Singapore dùng thẻ thay vì đưa tiền trực tiếp; tỉ lệ này trong siêu thị còn cao hơn nhiều (chiếm tới 1/2). Trong cuộc khảo sát mang tên “Xu hướng thanh toán của khách hàng” do Công ty Dịch vụ tài chính Visa (Mỹ) thực hiện năm 2015, 58% người tiêu dùng Singapore khi được hỏi đã trả lời rằng họ chọn các loại ví điện tử như Samsung Pay, Apple Pay và Android Pay để thanh toán hơn là tiền “tươi”.
Bảo mật thẻ tín dụng chính là mối lo ngại then chốt khiến người tiêu dùng Đông Nam Á còn dè dặt với phương thức thanh toán hiện đại này. Người dân Philippines có vẻ thận trọng nhất bởi có tới 67% không muốn cung cấp thông tin về thẻ tín dụng trên mạng; tiếp sau đó là người Thái (62%), Indonesia (60%), Việt Nam (55%), Malaysia (52%) và Singapore (41%) - so với mức bình quân toàn cầu là 49%. Để tạo tâm lý tin cậy cho khách hàng, các nhà bán lẻ trên mạng chỉ còn cách tăng cường an ninh cho chi trả bằng thẻ.