Báo cáo năm 2016 của Nielsen cho biết 12% số hộ gia đình tại Việt Nam có trẻ em dưới 1 tuổi, đây là mức cao nhất trong khu vực và gấp 2 lần mức trung bình toàn cầu.
Thị trường tiềm năng
Một khảo sát mới đây của NKid Corporation, thị trường kinh doanh phục vụ trẻ em gồm 3 nhóm chính: giáo dục, y tế và nhóm tất cả sản phẩm và dịch vụ khác dành cho trẻ 0-12 tuổi với tổng quy mô thị trường vào khoảng 5,2 tỉ USD/năm. Trong đó, các sản phẩm đồ chơi, quần áo, tã lót, mũ nón... chiếm khoảng 1,2 tỉ USD/năm; dịch vụ vui chơi giải trí chiếm khoảng 700 triệu USD/năm... Tính trung bình cả nước, các gia đình chi tiêu cho một trẻ khoảng 500.000 đồng/tháng. Riêng ở TP HCM, Hà Nội mức chi cao gấp 3 lần.
Nhận xét về hành vi tiêu dùng của các bậc phụ huynh Việt Nam, bà Connie Cheng - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương - cho biết: "Khi nói đến việc chăm sóc những nguồn vui bé nhỏ đó, các bậc phụ huynh rất sành điệu, từ thực phẩm mà họ cho con họ ăn đến tã giấy cho con họ sử dụng, rất ít khi họ thỏa hiệp cho những điều không vừa lòng với sản phẩm và họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho chất lượng".
CEO của một chuỗi cửa hàng đồ chơi cao cấp dành cho trẻ em, chia sẻ Việt Nam hiện giờ có khoảng 20 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 1 đến 15 tuổi, chỉ cần mỗi phụ huynh chi ra khoảng 200-300 USD mỗi năm cho quần áo và đồ chơi, quy mô của thị trường này đã lên tới hàng tỉ USD.
Vài năm trở lại đây, hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đổ tiền vào lĩnh vực vui chơi kết hợp giải trí cho trẻ em tại Việt Nam. Không chỉ là những trung tâm vui chơi quy mô nhỏ và vừa như Funny Land, Maika Wonderland..., thị trường có sự góp mặt từ những "ông lớn" như Vietopia, KizWorld, Kinder Park, tiNiWorld... với tiềm lực tài chính mạnh, cùng chiến lược đầu tư bài bản, nhiều kinh nghiệm trong ngành.
Các em đang đóng vai “lính cứu hỏa” tại một khu vui chơi lớn tại quận 7
Đầu tư lớn, lợi nhuận không cao
Tuy nhiên, việc mở rộng hệ thống, quảng cáo cùng các chương trình hậu mãi nhằm giữ chân khách hàng đang "đốt tiền" các nhà đầu tư khá nhiều. Theo tiết lộ của CEO chuỗi đồ chơi cao cấp dành cho trẻ em, một chuỗi cửa hàng đồ chơi và hệ thống vui chơi giải trí dành cho trẻ em hiện nay có thể đạt doanh thu hàng trăm tỉ đồng nhưng biên lợi nhuận chỉ đạt từ 5%-6%, thậm chí có những hệ thống vẫn ghi nhận thua lỗ. Nguyên nhân chủ yếu là khoản chi phí xây dựng mạng lưới, cũng như tiếp thị quá lớn.
Bài toán mặt bằng cũng là một thách thức không nhỏ, như My Kingdom, biên lợi nhuận những năm trước chỉ đạt từ 5%-7% dù doanh thu có thể tăng trên 50% mỗi năm. Bởi tốc độ mở chi nhánh của hệ thống này không thua kém so với bất kỳ hệ thống trong lĩnh vực bán lẻ, phân khối khác.
Với những mô hình khu vui chơi giải trí, việc lựa chọn giữa phát triển tập trung hay phân tán thành những quy mô nhỏ hơn cũng đặt ra bài toàn khó cho các hệ thống. Như Vietopia với diện tích 22.000 m2 hiện chỉ có điểm duy nhất tại TP HCM, trong khi đó Kiz Citi, Kizworld, tiNiWorld dù diện tích nhỏ hơn song có nhiều địa điểm rộng khắp. Một thách thức khác đối với doanh nghiệp là khách hàng bé nhỏ rất nhanh chán. Theo chuyên gia của Hiệp hội quốc tế chuyên về đầu tư, xây dựng, quản lý khu du lịch - giải trí IAAPA, mô hình giáo dục trải nghiệm ngành nghề sẽ không thể lôi kéo trẻ quay lại quá 5 lần.
Một chuyên gia cho biết với đặc tính vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn lâu thì hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chưa có lãi nhiều. Năng lực tài chính là vấn đề vô cùng quan trọng, nếu nguồn vốn yếu sẽ khó tồn tại.