Trong tờ trình dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến cuối năm 2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng là 2,46% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô.
Nợ xấu tiềm ẩn còn cao
Theo NHNN, tính đến ngày 31-12-2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ. Nguyên nhân một phần do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc. Trước đó, tính đến cuối năm 2015, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 493.090 tỉ đồng nợ xấu.
Việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt kết quả khả quan nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. Do đó, NHNN cho rằng cần sớm tiếp tục có giải pháp xử lý quyết liệt trong thời gian tới, không để tác động xấu đến an toàn hệ thống và bảo đảm tính khả thi của việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Trong khi đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết trong khoảng 500.000 tỉ đồng nợ xấu đã xử lý được của giai đoạn 2012-2015, chủ yếu do các NH thương mại tự xử lý chiếm 55,4%, số còn lại bán cho VAMC. Có điều, số nợ xấu bán cho VAMC được xử lý vẫn còn ở mức khiêm tốn. Năm 2017, VAMC đặt mục tiêu xử lý 33.000 tỉ đồng nợ xấu và được kỳ vọng quá trình xử lý các khoản nợ này sẽ khả quan, có sự cải thiện về khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ chế riêng cho VAMC và các NH thương mại.
Xử lý nợ xấu được NHNN xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tái cơ cấu. Trong những tháng đầu năm 2017, các giải pháp xử lý nợ xấu như thu hồi nợ từ khách hàng, bán nợ xấu cho VAMC… tiếp tục được ngành NH triển khai mạnh mẽ. Các tổ chức tín dụng cũng tập trung tăng cường chất lượng hoạt động tín dụng, tuân thủ chặt chẽ các quy định của NHNN về giới hạn, tỉ lệ an toàn hoạt động, giảm thiểu rủi ro. Hiện nợ xấu tiếp tục được kiểm soát, duy trì ổn định ở mức dưới 3% và có xu hướng giảm dần.
Gỡ vướng trong xử lý tài sản bảo đảm
Một trong những vướng mắc khiến công tác xử lý nợ xấu của các NH thương mại chưa được triệt để, theo NHNN là quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập.
Chẳng hạn, về quyền thu giữ tài sản, Bộ Luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Điều này, theo các NH, gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của VAMC và các tổ chức tín dụng, bởi khi đó đơn vị xử lý nợ xấu không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý. Khi đó, VAMC hoặc tổ chức tín dụng sẽ phải chờ bản án của tòa án, tạo tâm lý chây ì trả nợ cũng như áp lực cho các cơ quan xét xử, kéo dài thời gian xử lý nợ xấu.
Về quyền xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, pháp luật cho phép thế chấp, nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Khi khách hàng không trả được nợ, về nguyên tắc, VAMC hoặc tổ chức tín dụng phải được quyền xử lý tài sản bảo đảm đã nhận thế chấp hợp pháp. Việc chuyển nhượng được các tài sản bảo đảm này sẽ góp phần mang lại hiệu quả cho nền kinh tế bên cạnh việc xử lý nợ xấu. Nhưng theo quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014, tổ chức tín dụng hay VAMC chỉ được xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản khi đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản... Quy định chưa hợp lý này đã cản trở quyền xử lý tài sản bảo đảm hợp pháp của VAMC, tổ chức tín dụng...
Hàng loạt quy định trong các luật khác liên quan đến kê biên tài sản bảo đảm, phí thi hành án, các loại thuế trong xử lý tài sản bảo đảm... đều đang gặp vướng mắc khiến quá trình xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. NHNN cho rằng các vướng mắc pháp lý hầu hết liên quan đến quy định tại nhiều luật nên để xử lý triệt để các bất cập này cần ban hành luật riêng mang tính chất đặc thù trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu.
Do đó, hiện NHNN đang xin ý kiến về dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5-2017 nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định lãi suất.