Khi bạn mang bầu, lượng progesterone gia tăng trong máu khiến cho các cơ trơn của ruột giãn ra, dẫn đến quá trình tiêu hóa bị chậm lại. Lúc này phải mất thêm hơn 30% thời gian cho thức ăn di chuyển ra khỏi đường ruột. Khi thai ngày càng lớn thì áp lực gia tăng trên khoang bụng càng cao vì tử cung phát triển làm cho sự tiêu hóa chậm lại, do đó tích khí nhiều hơn.
Làm gì để giảm khó chịu?
Hãy thực hiện 7 mẹo đơn giản sau đây tại nhà sẽ giúp bạn giảm sự khó chịu do bị đầy hơi khi mang bầu:
1. Ghi nhật ký các món ăn hằng ngày: Việc ghi nhật ký các món ăn hàng ngày giúp bạn phân tích được một vài món ăn có liên quan đến tình trạng đầy hơi. Nếu bạn cảm thấy đang bị đầy hơi thì hãy ghi tên các món ăn cùng với mức độ đầy hơi vào sổ ngay.
2. Hãy loại bỏ món ăn nghi gây đầy hơi: Tránh dùng các sản phẩm từ sữa nếu bạn bị tiêu chảy khi dùng đường lactose. Thay vào đó hãy dùng sữa không có lactose hay sữa đậu nành có bổ sung canxi. Tránh xa thức ăn béo, thức ăn chiên rán. Cần cảnh giác các loại thực phẩm dễ gây sinh hơi và đầy bụng như: thức uống chứa nhiều tinh bột, các chất tạo ngọt nhân tạo, soda, nước hoa quả, các loại đậu, ngũ cốc, tỏi tây, hành, hành lá, cải bắp, bông cải xanh, súp lơ, măng tây, astisô, quả khô, lê, táo, mật ong, cà chua, tinh bột, bắp...
Nên nhớ đứa trẻ nằm trong bụng có thể cảm nhận được sức khỏe của bạn Ảnh: Hoàng Triều
3. Ăn chậm, chia thành nhiều bữa nhỏ: Nếu bạn ăn nhiều trong một bữa, thức ăn sẽ tồn tại trong ống tiêu hóa lâu hơn và tạo nhiều khí hơn trong ruột. Thay vì ăn 3 bữa/ngày thì nên ăn 5 hay 6 bữa nhỏ, vì vậy, cơ thể sẽ tiêu hóa dễ dàng hơn. Nên ăn chậm rãi, sẽ có ít khí đi vào ruột hơn. Nuốt khí vào sẽ làm cho khí trở thành các bong bóng trong dạ dày, hậu quả là bạn cảm thấy đau bụng rất khó chịu do hơi nuốt vào và cả hơi do thức ăn sinh ra.
4. Tăng chất xơ, uống nhiều nước: Chứng táo bón và sinh hơi trong bụng thường đi đôi với nhau. Chất xơ trong thức ăn giúp làm giảm táo bón ở thai phụ và góp phần hỗ trợ tiêu hóa, từ đó hạn chế sự sinh hơi, đau bụng và chướng bụng. Các nguồn chất xơ như rau ráng, mận khô, các loại cá và đậu đỗ sẽ giúp đại tiện tốt hơn.
Bên cạnh đó, nên uống nhiều nước. Lưu ý: uống nước bằng cốc hoặc tách, không nên uống từ chai hay qua ống hút vì sẽ làm tăng lượng hơi nuốt vào bụng. Mỗi ngày nên uống từ 1,8-2,5 lít nước.
5. Tập thể dục và luôn hoạt động: Tập thể dục sau khi ăn vài giờ để thúc đẩy sự vận chuyển thức ăn và khí trong hệ tiêu hóa. Nếu ngồi lâu trong một thời gian dài, khí sẽ không di chuyển được, do đó, bạn dễ bị chuột rút và đầy hơi. Tập thể dục không những giúp gia tăng tiêu hoá mà còn giúp giữ cơ thể khoẻ mạnh và cảm giác viên mãn. Chẳng hạn đi lòng vòng quanh xóm, dắt chó đi dạo, tập một vài bài thể dục dành cho thai phụ.
6. Thay đổi vị trí thường xuyên và nâng cao chân: Nếu bạn cảm thấy trong người nặng nề và khó chịu với cái bụng đầy hơi thì hãy ngồi xuống ở một nơi nào đó có thể nâng cao bàn chân. Trong lúc này, cần ăn mặc rộng, thoáng và tránh bóp chặt quanh hông và bụng. Hãy đứng trong khi ăn hoặc uống vì tư thế này giúp giảm áp lực lên bụng và tiêu hoá dễ dàng hơn.
7. Hãy thư giãn: Lo lắng và stress làm tăng lượng khí nuốt vào. Hãy loại bỏ chúng càng nhiều càng tốt. Tìm một nơi yên tĩnh trong ngày để hít thở thật sâu và thư giãn, hoặc đi spa dành cho thai phụ. Hãy nhớ rằng đứa trẻ nằm trong tử cung có thể cảm nhận được sức khỏe của bạn và việc hạ sinh một đứa trẻ khỏe mạnh là niềm hạnh phúc tuyệt vời.
Nói tóm lại, chứng đầy hơi chỉ gây khó chịu mà không làm tổn thương bạn cũng như con bạn. Ngay cả trong trường hợp bạn loại bỏ một số thức ăn để kiểm soát lượng hơi vào bụng thì cơ thể bạn phải được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, như: chất đạm, chất đường, chất béo, vitamin, khoáng tố và nước.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn