Trầm cảm tình huống có thể qua đi theo thời gian và khi chúng ta nói ra nguyên nhân gây trầm cảm thì có thể giảm nhẹ dần, tiến đến hồi phục. Nếu tình trạng này kéo dài và không giảm bớt, trầm cảm lâm sàng có thể phát triển và trở thành bệnh trạng nghiêm trọng, khó chữa trị, cần trợ giúp y khoa.
Tiến triển đến trầm cảm lâm sàng
Trầm cảm tình huống hoặc sự rối loạn điều chỉnh hành vi kèm theo tâm trạng buồn bã, được xem là dạng trầm cảm ngắn hạn xảy ra do hậu quả của sự cố đau buồn, hoặc những thay đổi trong đời sống cá nhân như ly dị, mất việc làm, cái chết của người thân, tai nạn nghiêm trọng. Trầm cảm tình huống phát xuất từ sự chống chọi cá nhân với tình huống. Một khi bệnh nhân có thể đương đầu được với tình huống mới, đó là cơ hội để hồi phục. Thí dụ, sau cái chết của người thân, cần có một khoảng thời gian để cá nhân đó chấp nhận rằng người thân họ đã ra đi thật sự. Họ có thể không bình thường trong khoảng thời gian trước khi quen với tình huống mới. Triệu chứng trầm cảm tình huống có thể bao gồm: lơ đãng; cảm thấy buồn bã, thất vọng; khó ngủ; có thể hay khóc; mất tập trung; âu lo; rút khỏi hoạt động bình thường; không muốn gặp bạn bè, người thân và điểm cần quan tâm là có ý nghĩ tự sát. Triệu chứng trầm cảm tình huống có thể bắt đầu xảy ra trong vòng khoảng 90 ngày kể từ sau biến cố gây trầm cảm.
Trầm cảm lâm sàng nghiêm trọng hơn trầm cảm tình huống và còn được gọi là bệnh trầm cảm hoặc rối loạn trầm cảm, với mức độ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày. Bệnh được xếp vào dạng rối loạn tâm thần và liên quan đến sự mất cân bằng hóa chất trong não. Bệnh trầm cảm có thể có nguồn gốc di truyền hoặc do phải ứng phó với những kinh nghiệm đau buồn, những mất mát lớn hoặc biến cố gây cảm xúc tiêu cực như giận dữ, thất bại, tuyệt vọng. Trầm cảm có thể thay đổi cách suy nghĩ và hành động của bệnh nhân. Lạm dụng rượu và ma túy cũng có thể dẫn đến trầm cảm lâm sàng.
Theo dõi, chẩn đoán và điều trị
Trầm cảm tình huống là phản ứng tự nhiên trước sự cố đau buồn và có thể trở lại bình thường một thời gian sau khi sự cố kết thúc. Trạng thái tâm lý này qua đi nếu tình huống được cải thiện hoặc khi người mắc phải biết cách đối phó với tình huống. Một số cách hỗ trợ về lối sống được khuyến nghị như tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, duy trì thói quen ngủ đều đặn đúng giờ, tâm sự với người thân và có cách giải trí tùy thích. Trường hợp khá nghiêm trọng có thể được thầy thuốc kê toa thuốc chống trầm cảm hoặc tiếp xúc với chuyên gia tâm lý.
Vể trầm cảm lâm sàng, có một số dấu hiệu và triệu chứng bệnh trầm cảm bao gồm: Tâm trạng chán nản hoặc liên tục kích thích; mất đi sự quan tâm và không cảm thấy vui trong sinh hoạt; giảm hoặc tăng cân; rối loạn ngon miệng (tăng hoặc giảm); mất ngủ hoặc luôn thèm ngủ; mệt mỏi hoặc cảm thấy mất năng lực; bồn chồn hoặc hành vi chậm lại; cảm thấy vô dụng hoặc cảm giác tội lỗi; khó quyết định và mất tập trung; luôn nghĩ đến cái chết hoặc có ý định tự sát.
Trầm cảm lâm sàng có thể kéo dài rất lâu nên đòi hỏi kế hoạch chữa trị lâu dài và thường kết hợp dùng thuốc với trị liệu tâm lý. Trong một số trường hợp nặng, nhất là khi bệnh nhân lộ rõ ý muốn tự sát hoặc tự làm hại mình, bệnh nhân cần được theo dõi sát tại bệnh viện cho đến khi triệu chứng được cải thiện.
Triệu chứng bệnh trầm cảm
Hội Tâm thần Mỹ nêu bộ tiêu chí triệu chứng bao gồm 8 dấu hiệu:
- Rối loạn giấc ngủ (ngủ quá nhiều hoặc quá ít).
- Thiếu chú ý hoặc mất khoái cảm.
- Có mặc cảm tội lỗi hoặc hối tiếc, tuyệt vọng, cảm thấy vô dụng.
- Mất năng lực.
- Mất tập trung.
- Rối loạn cảm giác ngon miệng (có thể tăng hoặc giảm).
- Tâm thần kích động hoặc nhận thức chậm.
- Muốn tự sát.
Bệnh nhân bị xem là mắc bệnh trầm cảm khi xuất hiện 5 trong 8 dấu hiệu trên hầu như mỗi ngày trong vòng 2 tuần.