Trang tin Medical News Today dẫn lời các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên thường dùng tôm như một phần của chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, chẳng những an toàn mà còn giúp bổ sung nhiều thành phần thiết yếu cho cơ thể.
Đa dạng dinh dưỡng, tốt cho tim
Tôm cũng giống như nhiều loại hải sản khác, cung cấp nguồn dinh dưỡng phong phú và được khuyến nghị trong hầu hết chế độ ăn lành mạnh. Tôm chứa rất ít calo, một khẩu phần ăn chưa tới 100 calo, cũng như ít chất béo nhưng nhiều chất đạm. Đây là dạng thực phẩm giàu selen - là một chất chống ôxy hóa giúp kéo giảm các gốc tự do bị xem là nguyên nhân đẩy nhanh sự già nua và bệnh tật. Tôm cung cấp nhiều vitamin B12 - chất giúp tạo tế bào máu và nhiều lợi ích khác. Nguồn phốt-pho trong tôm góp phần thiết yếu trong việc loại bỏ chất thải cũng như tái tạo mô và tế bào. Khẩu phần ăn có tôm cung cấp thêm choline, đồng, iodine - những chất vốn rất cần thiết cho các chức năng khác nhau của cơ thể. Một chất chống ôxy hóa khác trong tôm là astaxathin có thể giúp kéo giảm chứng viêm và chống lại dấu hiệu lão hóa.
Một khẩu phần tôm trung bình chứa 189 mg cholesterol, tức chiếm khoảng 60% mức khuyến nghị về dung nạp cholesterol hằng ngày. Mức độ cholesterol cao như vậy là lý do khiến nhiều người thường cho rằng tôm không tốt cho sức khỏe. Đã có thời gian người ta tin rằng tôm làm tăng mức độ cholesterol tỉ trọng thấp (LDL) tức cholesterol xấu nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy không đúng. Ngược lại, ăn tôm góp phần làm tăng HDL và được xem là an toàn cho người có mức độ cholesterol trong máu cao. Tôm cũng chứa rất ít chất béo bão hòa và không có chất béo chuyển hóa - cả hai dạng chất béo này đều bị xem là yếu tố góp phần tăng cholesterol xấu. Do đó, tôm có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng tôm trong món ăn không làm tăng LDL nhưng cách chế biến món ăn có thể làm tăng LDL hoặc tiềm ẩn nguy cơ khác như các món chiên, sốt có chứa nhiều bơ, sốt kem; thêm nhiều muối hoặc ăn kèm với nhiều carbohydrate. Cách chế biến được khuyên áp dụng là luộc, hấp, đút lò, nướng với ít hoặc không dầu; thêm gia vị như tỏi hay dùng kèm với rau, nước cốt chanh.
Nên dùng tôm 2 lần/tuần
Tôm cũng như một số loại hải sản thường dùng khác được xem là lành mạnh nhưng cũng có trường hợp tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe như được nuôi trong môi trường không trong lành, bị ô nhiễm hóa chất, dư lượng thuốc trị bệnh cho tôm. Tuy tôm tự nhiên ít nhiễm thủy ngân nhưng vẫn có thể chứa thành phần này nên các chuyên gia Mỹ khuyến cáo nên giới hạn dùng ít hơn 340 g/tuần. Không nên dùng tôm sống hoặc chưa được làm chín kỹ vì rất dễ mang theo nhiều mầm bệnh. Một số người dị ứng với hải sản và người có chế độ ăn kiêng đặc biệt do bệnh tật nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng trước khi dùng tôm.
Tôm cũng như các loại hải sản khác thường được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng trong khẩu phần ăn cân bằng và đa dạng về dinh dưỡng. Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến nghị nên dùng cá, tôm hoặc hải sản khác khoảng 2 lần trong tuần. Một số lựa chọn hải sản thông thường cũng có lợi ích cho sức khỏe như tôm nhưng với ít nhiều khác biệt: Thịt cua cũng giàu protein, nhiều vitamin nhưng ít chất béo, calo và cholesterol. Tuy nhiên, không giống như tôm, thịt cua có hàm lượng muối cao một cách tự nhiên nên bệnh nhân cao huyết áp cần thận trọng. Món hải sản đắt giá là tôm hùm có mức độ cholesterol còn cao hơn tôm và chứa ít calo, chất béo bão hòa như tôm. Tôm hùm giàu omega-3, selen và cung cấp nguồn đạm cao - với khoảng 24 g protein trong khẩu phần ăn trung bình. Cá hồi là thực phẩm đặc biệt giàu omega-3 và có nhiều chất béo nhưng ít cholesterol hơn tôm. Cá hồi cũng giàu chất đạm và nhiều loại vitamin B, giúp tăng cường năng lực, trợ giúp sự trao đổi chất trong cơ thể cũng như hoạt động của hệ thần kinh. Thêm vào đó, cá hồi cung cấp nhiều kali và phốt-pho nên hỗ trợ điều chỉnh huyết áp, hỗ trợ cho sức khỏe tim mạch đồng thời giúp xương phát triển.
Vài loại hải sản như hào, nghêu, sò cũng có thể chứa thêm các thành phần dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin B12, phốt-pho, niacin và selen.
Rất giàu đạm, ngừa bệnh tim
Một khẩu phần tôm trung bình cung cấp 17,8 g protein - phần quan trọng trong tổng số khoảng từ 46-56 g hằng ngày để củng cố hệ miễn dịch, cơ bắp và sản sinh năng lượng. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Circulation hồi tháng 8-2010 nêu mối liên quan giữa dùng thực phẩm nhiều đạm có nguồn gốc từ hải sản như tôm với khả năng giảm thiểu nguy cơ bệnh tim mạch ở phụ nữ.