Nhóm nghiên cứu từ ĐH Oxford của Anh, Viện Hàn lâm Y khoa Trung Quốc và Trung tâm Kiểm soát bệnh Trung Quốc phát hiện 2/3 nam thanh niên Trung Quốc hút thuốc lá, hầu hết bắt đầu từ dưới tuổi 20. Số người chết liên quan đến thuốc lá dự kiến sẽ tăng từ 1 triệu người vào năm 2010 lên đến 2 triệu vào năm 2030 và 3 triệu vào năm 2050. Các nhà khoa học ghi nhận trong khi lượng tiêu thụ thuốc lá ở phương Tây giảm thì thói quen hút thuốc lá càng phổ biến hơn ở thanh niên Trung Quốc.
Phụ nữ tập tành hút thuốc
Nhóm nghiên cứu tiến hành 2 cuộc khảo sát lấy mẫu trên toàn quốc cách nhau 15 năm, lần đầu trong những năm 1990 liên quan đến 250.000 đàn ông và lần thứ hai đang được thực hiện trên 500.000 người cả nam lẫn nữ. Số liệu cho thấy tỉ lệ tử vong có nguyên nhân từ thuốc lá ở nam giới từ 40-79 tuổi đã tăng gấp đôi (từ 10% vào đầu thập niên 1990 lên khoảng 20% hiện nay). Tỉ lệ này ở đô thị tăng lên tới 25% và giảm ở nông thôn; dự báo sẽ tăng ở vùng ngoại ô do người hút thuốc lá tăng trong khi người bỏ thuốc lá giảm. Ngược lại, tỉ lệ hút thuốc lá giảm cũng như nguy cơ chết sớm do thuốc lá xuống thấp ở nữ giới. Tỉ lệ tử vong do thuốc lá ít hơn 1% ở phụ nữ sinh sau năm 1960. Tuy nhiên, ngược lại với xu hướng này, hiện có một số thiếu nữ lại bắt đầu tập hút thuốc lá mà nguyên nhân có thể xuất phát từ những thay đổi trong xã hội. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng kể là tỉ lệ người bỏ hút thuốc lá tăng từ 3% lên 9% từ năm 1991 đến 2006.
Tỉ lệ hút thuốc lá trong nam thanh niên Trung Quốc vẫn tăng Ảnh: Reuters
Công bố luật cấm hút thuốc lá nơi công cộng
Đồng tác giả nghiên cứu, GS Liming Le thuộc Viện Hàn lâm Y khoa ở Bắc Kinh cảnh báo: “Nếu không có hành động tận tâm, nhanh chóng và đại trà để giảm thiểu mức độ tiêu thụ thuốc lá, Trung Quốc sẽ đối mặt với số lượng người chết sớm khổng lồ”. Một tác giả khác, Sir Richard Peto của ĐH Oxford, ghi nhận tình trạng hút thuốc lá giảm đáng kể ở các nước phương Tây do giá bán thuốc lá tăng và khuyến cáo biện pháp này có thể cứu sống hàng triệu người tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng tác hại của thuốc lá vẫn còn có hy vọng cứu vãn nếu thuyết phục được người nghiện bỏ hút thuốc lá với lời khuyên: “Điểm then chốt để tránh làn sóng tử vong khổng lồ này là nếu bạn còn trẻ, bạn đừng hút thuốc”. Một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Trung Quốc đến năm 2030 là kéo giảm tử suất bệnh không truyền nhiễm xuống 1/3 và mục tiêu này khó đạt được nếu không hạn chế thuốc lá.
Theo các nhà chuyên môn, việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá trên diện rộng sẽ góp phần đáng kể trong những chính sách hiệu quả và ít tốn kém nhằm tránh bệnh tật và tử vong sớm trong vài thập niên tới. Về phía chính quyền, Bộ Y tế Trung Quốc đã công bố luật cấm hút thuốc lá nơi công cộng từ năm 2011, được các nhà lập pháp thông qua tháng 11-2014 và có hiệu lực từ 1-6 năm nay. Tại Bắc Kinh, hút thuốc nơi công cộng bị phạt 200 yuan (hơn 700.000 đồng) và cơ sở làm ngơ với người hút thuốc lá bị phạt 10.000 yuan (gần 35,15 triệu đồng). Đạo luật này được Tổ chức Y tế thế giới ngợi khen nhưng hiện vẫn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt. Cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh Trung Quốc Yang Gonghuan bình luận: “Xóa bỏ tuyệt đối việc hút thuốc ở khu vực công cộng là điều rất khó bởi có quá nhiều người hút thuốc lá”.
300 triệu người hút thuốc lá Trung Quốc hiện có hơn 300 triệu người hút thuốc lá và điếu thuốc là trọng tâm trong đời sống hằng ngày của nhiều người. Thuốc lá không còn là quà tặng khá phổ biến, không được dùng để mời nhau khi bắt đầu câu chuyện như trước đây nhưng số người từ bỏ thói quen này không nhiều. Các cuộc khảo sát cho thấy có đến 50 triệu người dưới 20 tuổi hút thuốc lá và tỉ lệ sinh viên hút thuốc lá vẫn tăng. Nhiều chuyên gia cáo buộc các nhà quảng cáo và công nghiệp giải trí vẫn coi trọng thuốc lá, theo kiểu mô tả điếu thuốc như biểu tượng của sự trưởng thành và tự lập. |
Trúc Lâm