Tiền sản giật xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ, nếu đa thai và thai trứng thì xuất hiện sớm hơn, thường gặp ở người con so, thai phụ ở tuổi dưới 20 và trên 40 - hai mốc của thời kỳ sinh sản.
Khi sản phụ có các triệu chứng sau đây, phải nghĩ ngay đến tiền sản giật:
- Phù toàn thân: Có thể phát hiện bằng cách tự theo dõi cân nặng và thấy tăng cân nhanh, hơn 500 g/tuần hay hơn 2 kg/tháng. Phù trắng, mềm, khi ấn ngón tay vào vùng da bên dưới như vùng xương quyển, mu bàn chân thì để lại dấu lõm, dân gian gọi là xỉa. Những nơi khác như cổ tay, ngón tay nếu có đeo đồng hồ, vòng, nhẫn sẽ thấy chật hơn trước.
- Huyết áp tăng: Tăng hơn 30 mmHg đối với số tâm thu và hơn 15 mmHg đối với số tâm trương. Thiếu máu ở các cơ quan do co mạch. Thiếu máu não khiến thai phụ bị nhức đầu, rối loạn thị giác, nôn ói. Thiếu máu ở gan gây đau vùng trên rốn. Thiếu máu ở thận làm giảm số lượng nước tiểu và có đạm niệu. Thiếu máu đến thai nên thai bị suy, chậm phát triển, có thể chết trong tử cung.
- Đạm niệu: Xét nghiệm nước tiểu thấy có đạm xuất hiện.
Tiền sản giật có 2 mức độ: Nhẹ khi huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên nhưng huyết áp tâm trương còn dưới 100 mmHg. Nặng khi huyết áp tâm trương từ 100 mmHg trở lên, đạm niệu hơn 5 g/24 giờ.
Sau khi sinh, các triệu chứng của sản giật dần dần biến mất Ảnh: MNT
Tiền sản giật sẽ trở thành sản giật khi có các dấu hiệu: phù tăng (thai phụ tăng cân rất nhanh), nhức đầu nặng hơn, rối loạn thị giác, mất định hướng, đau vùng trên rốn, tiểu ít (lượng nước tiểu dưới 100 ml/24 giờ), huyết áp tăng cao, đạm niệu tăng, buồn nôn và nôn nhiều. Xuất hiện các cơn co giật từ 1-2 cơn đến trên 20 cơn. Nếu không điều trị có thể giật liên tiếp đến chết. Mỗi cơn giật trải qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn xâm nhiễm: Co giật ở miệng, mặt kéo dài vài giây.
- Giai đoạn co cứng toàn thân: kéo dài 15-20 giây.
- Giai đoạn co giật chân tay và toàn thân: Co giật từng cơn, mặt tím do ngưng thở, miệng sùi bọt mép lẫn máu, hàm dưới đóng mở từng hồi, kéo dài 1 phút.
- Giai đoạn hôn mê: Các cử động co giật nhẹ đi và thưa dần rồi ngưng. Thai phụ thở lại, nhịp thở nhanh, đều nhưng hôn mê; đến khi tỉnh lại thai phụ hoàn toàn không nhớ gì trước khi
co giật.
Trong lúc giật, thai phụ có thể chuyển dạ, diễn tiến nhanh, dễ xảy ra biến chứng suy thai và máu tụ sau nhau. Thai nhi có thể tử vong do non tháng hoặc do kém phát triển rồi suy thai. Mẹ có thể bị phù phổi cấp hoặc suy tim, có thể tử vong do xuất huyết não. Tiên lượng mẹ và con tùy thuộc vào tuổi thai và dấu hiệu đáp ứng với điều trị.
Sau sinh, các triệu chứng của sản giật dần dần biến mất. Trước tiên là số lượng nước tiểu tăng lên, tiếp theo là phù và đạm trong nước tiểu giảm dần trong 1 tuần. Huyết áp trở về bình thường trong vòng 2 tuần. Nếu trước khi có thai đã bị cao huyết áp thì lúc này huyết áp khó trở về bình thường, do đó cần được điều trị nội khoa cẩn thận và đầy đủ.
Sản giật rất nguy hiểm cho cả mẹ và con, vì vậy cần phát hiện sớm và điều trị tích cực để tránh nguy cơ gây tử vong.
Bác sĩ Ngô Văn Tuấn