Tuy nhiên, không phải bệnh nhân đái tháo đường nào cũng có quan niệm đúng về bệnh, nhất là về vấn đề dinh dưỡng, từ đó dẫn đến nhiều sai lầm làm cho bệnh diễn tiến thêm trầm trọng.
Những sai lầm cực đoan
Khi phát hiện mình mắc bệnh đái tháo đường, thông thường bệnh nhân sẽ rơi vào 2 thái cực: kiêng khem khắt khe, loại bỏ hoàn toàn chất bột đường ra khỏi khẩu phần ăn. Ngược lại, cũng có bệnh nhân tự cho phép mình ăn uống thoải mái vì suy nghĩ đằng nào đây cũng là bệnh không thể chữa khỏi.
Phát biểu tại sự kiện “Ăn vui, sống khỏe” do Tập đoàn Dược phẩm Sanofi phối hợp với Hội Đái tháo đường Nội tiết TP HCM tổ chức mới đây, PGS-TS Nguyễn Thy Khuê, chủ tịch hội, cho rằng đây là những suy nghĩ cực đoan. PGS-TS Khuê lý giải: “Trong bệnh đái tháo đường, nếu chúng ta loại bỏ hẳn bột đường ra khỏi bữa ăn, chất đạm và chất mỡ cũng góp phần vào lượng đường trong máu nhưng không nhiều, nếu chúng ta loại bỏ hẳn đường nhưng vẫn uống thuốc thì nguy cơ giảm đường huyết sẽ rất cao. Khi bệnh nhân bị giảm đường huyết, theo bản năng sinh tồn thì họ sẽ ăn nhưng thường ăn nhiều hơn năng lượng cần thiết, khi đó đường sẽ tăng trở lại. Tình trạng đường lúc giảm lúc tăng sẽ làm biến chứng càng xuất hiện nhanh hơn. Nếu bệnh nhân quá kiêng khem, đường huyết sẽ bị hạ liên tục khiến họ mất cảm giác bảo vệ, mất cảm giác mệt mỏi, sợ hãi, không đi kiếm đồ ăn sẽ dẫn đến những cơn hạ đường huyết nặng và hôn mê. Ngược lại, trong trường hợp bệnh nhân ăn quá nhiều sẽ dẫn đến đường huyết tăng, huyết áp tăng, mỡ tăng và biến chứng lại càng nhanh xuất hiện, nhất là những biến chứng về tim mạch và đột quỵ. Mùa đông xuân này, tỉ lệ đột quỵ sẽ rất nhiều”.
Trên thực tế, trong quan điểm chung về điều trị bệnh đái tháo đường hiện nay, bệnh nhân hoàn toàn không nên kiêng bất cứ thực phẩm gì. Nguyên tắc dinh dưỡng chung là ăn đủ, không nên ăn quá nhiều hay quá ít. Điều này không chỉ tốt cho bệnh nhân đái tháo đường mà cả với những người bình thường. Ngay cả người khỏe mạnh cũng không nên ăn quá nhiều thực phẩm nhiều đường và chất đạm. Còn khi mắc bệnh đái tháo đường thì bệnh nhân phải có sự điều chỉnh lại lượng bột đường cho hợp lý.
Bệnh nhân nghe bác sĩ tư vấn về dinh dưỡng tại sự kiện “Ăn vui, sống khỏe”
Tham khảo ý kiến bác sĩ và sự hỗ trợ của người thân
“Khi biết mình có bệnh, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến với một bác sĩ chuyên về dinh dưỡng. Các bác sĩ sẽ tùy theo cách sinh hoạt, kiểu bệnh, biến chứng… của từng bệnh nhân để cho ra một cách ăn uống tốt nhất” - PGS-TS Khuê chia sẻ.
Ngoài ra, bệnh nhân cần có thêm sự chung tay và giúp đỡ của người nhà. Gia đình và người thân cần động viên, nhắc nhở người bệnh thay đổi dần dần các thói quen ăn uống theo hướng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuẩn bị thực phẩm, thực hiện chế biến món ăn lành mạnh, nhắc nhở giờ giấc ăn uống, nên có những bữa ăn gia đình thường xuyên để tạo không khí ấm cúng, tránh tâm lý ăn kiêng bệnh lý nặng nề ảnh hưởng bữa ăn.
Riêng trong điều trị bệnh, bệnh nhân cũng rất cần có sự tham gia của người thân. PGS- TS Khuê khuyên bệnh nhân khi phải tiêm insulin trong điều trị, phải có con hoặc cháu cùng với bệnh nhân nghe chỉ dẫn của bác sĩ.
Bài và ảnh: Thanh Lý