Giống như những axít amin khác, L-arginine góp phần tạo nên protein. Từ đó, cơ thể có thể sử dụng protein để tạo thành cơ và tái lập mô. L-arginine chuyển thành nitric oxide khiến mạch máu có thể mở rộng hơn để giúp cải thiện lưu lượng máu, đồng thời kích thích tiết hormone tăng trưởng, insulin và thành phần khác trong cơ thể.
Nhiều lợi ích tiềm năng
Trong điều kiện bình thường, cơ thể sản sinh L-arginine một cách tự nhiên. Những người có hàm lượng L-arginine thấp có thể nhận được thêm axít amin này qua khẩu phần ăn hằng ngày có chứa thịt, cá, sữa, trứng… Đôi khi nhu cầu L-arginine của con người có thể vượt quá khả năng sản xuất và tiêu thụ nó một cách tự nhiên. Điều đó có thể dễ xảy ra ở người cao tuổi hoặc có bệnh và những người này cần được bác sĩ chỉ định bổ sung nguồn L-arginine từ bên ngoài bằng dạng thuốc uống, thuốc tiêm hoặc dạng kem. Trên thực tế, dung nạp thêm nguồn axít amin này có lợi ích đáng kể đối với một số bệnh nhưng người dùng nên thận trọng. L-arginine có thể trợ giúp trong nhiều lĩnh vực cụ thể như:
- Giúp hạ huyết áp ở trường hợp cao huyết áp.
- Chữa bệnh tim.
- Cải thiện tình trạng rối loạn cương dương.
- Giảm viêm đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ.
- Kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Điều chỉnh rối loạn chu trình urê bẩm sinh.
Thêm vào đó, L-arginine còn có lợi ích tiềm năng đối với bệnh tật khác nhưng giới khoa học yêu cầu cần nghiên cứu thêm để khẳng định, cụ thể như:
- Cải thiện lưu lượng máu.
- Giúp vết thương mau lành.
- Giảm rối loạn lo âu.
- Trị phỏng.
- Cải thiện chức năng thận ở bệnh nhân suy tim sung huyết.
- Tăng cường thành quả việc tập luyện thể dục.
Thực phẩm giàu protein là nguồn L-arginine lành mạnh nhất cho cơ thể Ảnh: HEALTH LINE
Theo trang tin WebMD, L-arginine còn có thể được sử dụng kết hợp với một số dạng thuốc khác để giúp chữa trị nhiều bệnh khác nhau. Thí dụ như kết hợp với ibuprofen để trị đau nửa đầu; kết hợp với hóa trị liệu cho bệnh nhân ung thư vú; kết hợp với các axít amin khác để cải thiện tình trạng mất thể trọng cho bệnh nhân AIDS cũng như với chất bổ sung khác để kéo giảm thời gian phục hồi sau phẫu thuật.
Tác dụng phụ và rủi ro
Dù L-arginine được xem là an toàn ở liều dùng thấp nhưng bệnh nhân cần thận trọng vì L-arginine có thể gây phản ứng phụ nghiêm trọng, kể cả dẫn đến tử vong vì có thể tương tác với cơ thể hoặc với những thuốc khác mà bệnh nhân cần hiểu rõ trước khi dùng. Những phản ứng phụ dễ gặp nhưng không quá nguy hiểm có thể gây ra hoặc làm nặng thêm vài bệnh như: bệnh gout, đầy bụng, đau bụng, viêm đường thở, tiêu chảy, dị ứng, suyễn.
Hơn nữa, L-arginine có thể dẫn đến những biến chứng và nguy cơ nghiêm trọng hơn cần được thận trọng xem xét như:
- Có thể xảy ra triệu chứng bệnh tật nghiêm trọng và tử vong ở trẻ nhỏ.
- Khó kiểm soát huyết áp trong trường hợp phẫu thuật.
- Trầm trọng hơn triệu chứng nhiễm herpes.
- Nguy cơ tử vong gia tăng ở người đã bị cơn đau tim.
- Tương tác tiêu cực với một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc rối loạn cương dương và thuốc hạ huyết áp.
Dù có nhiều nguy cơ kèm theo việc bổ sung L-arginine nhưng hầu hết nghiên cứu cho thấy mức độ an toàn ở những người dùng liều thấp. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) không giám sát công hiệu và sự an toàn do bổ sung L-arginine. Người dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng vì đối với nhiều người, nguy cơ cho sức khỏe có thể cao hơn so với lợi ích.
Đủ L-arginine theo cách tự nhiên
Nguồn L-arginine tốt nhất vẫn là thực phẩm giàu protein. Đối với nhiều người, các loại thịt, cá, sữa, trứng là thực phẩm cung cấp chủ yếu. Tuy nhiên, một số người không thể dùng nhiều protein động vật do bệnh tật hoặc lý do nào khác, có thể dùng nhiều thực phẩm giàu protein có nguồn gốc thực vật như các loại hạt, đậu Hà Lan, đậu phộng, đậu nành. Những người thiếu L-arginine có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập khẩu phần ăn phần nào đáp ứng L-arginine cần thiết.
Tuy nhiên, tiêu thụ thực phẩm đơn thuần có thể không cung cấp đủ nhu cầu L-arginine, việc bổ sung là cần thiết đối với một số người nhưng cách thức và liều lượng bổ sung nên được bác sĩ hướng dẫn.